Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vào mùa thi cử, căng thẳng, lo âu dễ rối nhiễu tâm trí

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là cảnh báo của các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần trước cuộc đua nước rút – học thêm, ôn luyện để vượt qua kỳ thi quan trọng vào lớp 10 công lập lẫn kỳ thi THPT quốc gia 2016 của học sinh lớp 9 và lớp 12. Chính áp lực và kỳ vọng của cha mẹ, bệnh thành tích của nhà trường đang khiến học trò bị căng thẳng, rối nhiễu hành vi.

Vì thành tích, “ép” học trò chọn nguyện vọng

Cánh cửa vào lớp 10 công lập luôn hẹp và nhiều rủi ro, vì thế áp lực chọn nguyện vọng 1, 2, 3 đối với học sinh lớp 9 luôn căng thẳng và phụ huynh cũng rối trí, bấn loạn theo. Dù việc chọn nguyện vọng, chọn trường THPT là tự nguyện, theo yêu cầu của học sinh, nhưng vì chạy theo bệnh thành tích, để có tỷ lệ học sinh đậu nguyện vọng 1 cao, nhiều trường THCS lẫn giáo viên chủ nhiệm “ép” học trò chọn những trường có điểm chuẩn thấp cho an toàn.

Theo phản ánh của nam học sinh K. (lớp 9), em thích học ở Trường THPT Lê Quý Đôn và chọn nguyện vọng 1 ở ngôi trường này, nhưng giáo viên chủ nhiệm tư vấn theo kiểu ép buộc em phải chọn Trường THPT Marie Curie lấy điểm thấp hơn cho an toàn.

Vì không nghe theo lời giáo viên chủ nhiệm, em bị lên án và xúc phạm bằng cách nêu đích danh tên trước lớp với lời dè bỉu của giáo viên chủ nhiệm: “Em K. trèo cao sẽ té đau”. Bức xúc vì bị xúc phạm trước lớp, học sinh K. tuy cố ghìm nén nỗi buồn, không phản kháng ở lớp, nhưng về đến nhà em tỏ ra bực tức, la lối và tuyên bố: “Sẽ bỏ không tham gia kỳ thi vào lớp 10 sắp tới…”.

Mẹ K. cũng buồn rầu, tìm đến bác sĩ tâm lý để cầu cứu và lựa lời khuyên em bình tĩnh lại, khuyến khích em ôn tập để tham gia kỳ thi quan trọng này. Như thế, thay vì động viên, chia sẻ, giáo viên chủ nhiệm này đã dập tắt niềm tin, ước mơ học hành của K.

Tương tự, nhiều học sinh lớp 9 đều có chung tâm lý căng thẳng, lo lắng khi kỳ thi vào lớp 10 đang đến gần. Với lịch học, ôn luyện 3 môn Toán, Văn, Anh văn dày đặc, kéo dài từ nhiều tháng trước, nhiều em cảm thấy đuối sức, thậm chí học nhiều mà nhớ không bao nhiêu.

Thí sinh tập trung ôn bài trước giờ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2015. Ảnh: MAI HẢI

Nỗi lo bị rớt lớp 10 trường tốp trên THPT Nguyễn Thị Minh Khai, em H.T. học ở Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) ngủ không được, ăn rất ít và lơ mơ. Dù có học lực giỏi nhưng em bị tâm lý sợ thi rớt nên khi ngủ cũng nói mớ là “con phải thi đậu mẹ ạ…”. Sợ con đổ bệnh, bị rối nhiễu tâm trí, mẹ H.T. vội đưa con đến phòng khám chuyên về bệnh tâm thần ở quận Bình Thạnh để khám và tìm lời khuyên của bác sĩ để giải tỏa áp lực căng thẳng về thi cử.

Thi thử nhiều cũng gây áp lực

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đang đến gần và áp lực luyện thi, kiểm tra kiến thức – trình độ, thi thử liên tục diễn ra ở một số trường THPT cũng đè nặng tâm lý của nhiều sĩ tử. Trong khi nhiều hiệu trưởng trường THPT chọn phương án ôn tập nhẹ nhàng, để học sinh tự nguyện đăng ký học thêm tại trường thì một số trường lại chọn phương án luyện thi, cho thi thử nhiều đợt để học sinh làm quen với đề thi, thời gian làm bài. Việc thi thử liên tục đã khiến có những học sinh cảm thấy bị “bội thực”, ngán ngẩm vì kiến thức bão hòa, thậm chí ai bị điểm thấp còn có tâm lý dao động.

Thế nhưng, dù đã ôn luyện, hệ thống kiến thức ở trường, nhiều sĩ tử vẫn thấy chưa đủ, tiếp tục học thêm ca tối ở trung tâm văn hóa ngoài giờ hoặc luyện thi tại nhà thầy cô đến 21 – 22 giờ. Nhìn con cái bơ phờ vì học hành, phụ huynh thương cảm, xót xa nhưng đều bộc bạch: “Không học thêm, ôn luyện nhiều như thế thì không thể chạm vào giấc mơ đậu đại học ở những trường tốp trên”. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc học thêm quá nhiều, luyện thi giải đề đến “bội thực” và giành được điểm số cao của các kỳ thi chưa hẳn là giỏi, thực học. Các em đang bị biến thành những cái máy giải đề khó theo khuôn mẫu mà không hề có sự sáng tạo.

Thí sinh trao đổi bài làm sau buổi thi tuyển sinh lớp 10 năm 2015. Ảnh: MAI HẢI

Tại nhiều hội thảo, tọa đàm liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh, nhiều bác sĩ chuyên khoa tâm thần đã cảnh báo nguy cơ rối nhiễu tâm trí, hành vi do áp lực học hành căng thẳng gây ra. Có em dù đậu vào lớp 10 của một trường THPT tên tuổi nhưng không thể học tiếp vì bị bệnh tâm thần, phải bỏ học. Cũng có nhiều em ở trường THPT chuyên, năng khiếu học rất giỏi, thậm chí giành nhiều giải thưởng ở các cuộc thi học sinh giỏi nhưng cũng chọn ngõ cụt quyên sinh vì áp lực đè nặng…

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa tâm thần, trước mùa thi cử quan trọng, số học sinh đến khám bệnh vì bị căng thẳng, tinh thần sa sút, học nhiều nhưng không nhớ bài, thuộc bài, mất ngủ kéo dài, biếng ăn… gia tăng. Đây là thực trạng đáng báo động và đòi hỏi gia đình, nhà trường phải quan tâm, tránh tạo thêm áp lực khiến học sinh sợ hãi, bị ám ảnh bởi kỳ thi.

Khi học sinh có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt và lạc quan thì sẽ làm bài đạt kết quả cao và ngược lại. Vào thời điểm nước rút – gần sát kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia, từ gia đình đến nhà trường cần khích lệ tinh thần, tạo tâm lý thoải mái, bình tĩnh, tự tin cho học trò. Ngoài sắp xếp thời gian hợp lý giữa ôn tập bổ sung kiến thức và thư giãn, giải trí lành mạnh, các sĩ tử cần có chế độ ăn uống bổ sung dưỡng chất, ngủ nghỉ đủ giấc.

Đáng kể nhất là những trường THPT ngoài công lập, trong đó có trường áp dụng kỷ cương khắc nghiệt – bắt học sinh lớp 12 luyện đề, giải đề đến bội thực, chuyên nghiệp như “gà chọi”. Theo tâm sự của một giáo viên dạy Toán ở ngôi trường THPT tư thục có tiếng: “Quan điểm của nhà trường là phải ép học sinh ôn luyện và giải đề thi đủ dạng càng nhiều càng tốt, để các em có thể làm bài với điểm số cao nhất, đậu vào trường đại học nhiều nhất”.

KHÁNH HÀ/ SGGP

 

Bình luận (0)