Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lạm dụng kháng sinh: Đề phòng kháng thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Kháng sinh là một nhóm thuốc được sử dụng trước hết để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn, tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cơ thể con người chống chọi nhiễm khuẩn. “Chống kháng thuốc: không hành động hôm nay, không chữa khỏi ngày mai” chính là chủ đề ngày sức khỏe thế giới năm nay,  Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa vấn đề nhằm thức tỉnh cộng đồng về vấn nạn vi sinh vật kháng thuốc đang đe dọa toàn cầu. 
Phần lớn các nhiễm khuẩn thông thường trong sinh hoạt được chữa bằng uống thuốc kháng sinh. Một số thuốc kháng sinh dùng cho mắt, tai được sử dụng bằng dung dịch, nhỏ giọt. Đối với những nhiễm khuẩn nặng phải sử dụng kháng sinh qua đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc có khi qua đường truyền dịch nếu cần. Dùng kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ thời gian có tác dụng và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn, như vậy mới có kết quả chắc chắn, tác dụng phụ của kháng sinh thông thường cũng được giảm nhẹ. Một số tác dụng phụ hay gặp là tiêu chảy vì kháng sinh có thể làm thay đổi cân bằng giữa vi khuẩn bình thường và các loại men, nấm.
Trên thực tế, các bệnh không lây nhiễm cần sử dụng kháng sinh đang có xu hướng giảm dần, hiện chỉ chiếm 1/4 trong tổng số bệnh tật ở nước ta, tuy nhiên chi phí sử dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng lại không hề giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân không gì khác ngoài tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng ngày càng phổ biến dẫn đến rất nhiều chi phí phát sinh khác cho việc điều trị kháng kháng sinh. Thống kê mới đây về chi phí sử dụng tiền thuốc cho thấy, tiền thuốc kháng sinh của 661 bệnh viện trên cả nước chiếm đến 56% tổng tiền thuốc. Thống kê sử dụng kháng sinh: tại Bệnh viện Bạch Mai là 48,5% (trong đó sử dụng cho bệnh nhân khoa sản là 97,8%, khoa ngoại là 95%), tại Bệnh viện Nhi Nghệ An là 87,7%; Bệnh viện tỉnh Lào Cai II là 87,1%; Bệnh viện tỉnh Yên Bái là 80,2% và tại Bệnh viện tỉnh Ninh Bình là 80%.

 
 Người dân mua thuốc dễ dàng tại các hiệu thuốc. Ảnh: Vietbao.vn

Hiện nay, thuốc kháng sinh có 17 nhóm với khoảng 500 biệt dược, trong số đó có 4 nhóm chuyên biệt là chống nấm, chống lao, chống phong, trị ung thư; còn lại 13 nhóm là thuốc trị các bệnh nhiễm khuẩn có các đường dùng là tại chỗ, uống và tiêm. Ngoài 6 nguyên nhân gây kháng thuốc chính theo Tổ chức Y tế Thế giới (không có trách nhiệm, không kiểm soát nhiễm khuẩn, thiếu nghiên cứu, yếu giám sát, sử dụng kháng sinh bất hợp lý, thuốc kém chất lượng), tại Việt Nam có lẽ còn có nguyên nhân là thói quen chữa trị tự do của người dân.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng – Bệnh viện Bạch Mai: "Lạm dụng thuốc kháng sinh ở người dân thể hiện ở thói quen mua kháng sinh về tự điều trị không cần đơn của thầy thuốc, dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian, tuỳ tiện… Lạm dụng kháng sinh cũng phổ biến ở trong các bệnh viện, ở các cán bộ, nhân viên y tế, các hiệu thuốc, thể hiện qua việc hầu hết các hiệu thuốc sẵn sàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần có kê đơn của bác sĩ, thậm chí còn thực hiện vai trò của bác sĩ để kê đơn cho bệnh nhân".
Chính vì thực trạng này, người dân cần chú ý sử dụng thuốc kháng sinh, dùng không đúng không những rất có hại mà còn gây lãng phí, gây khó khăn cho chẩn đoán (bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán). Đặc biệt, một số loại kháng sinh gây ra dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này một cách đơn thuần cục bộ, mà phải tìm một giải pháp toàn cầu. Cần áp dụng các biện pháp như giáo dục điều trị, kiểm soát việc sản xuất, sử dụng và lưu hành thuốc kháng sinh trên toàn bộ đất nước, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh. Bộ Y tế nên đưa ra các phương án giải quyết hợp lý để người dân không quá lạm dụng kháng sinh như hiện nay dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong điều trị.
Theo ĐCSVN

Bình luận (0)