Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hơn 6,1 vạn người mắc bệnh tay chân miệng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1-10, TS Trần Thanh Dương, Cục Phó Cục Y tế dự phòng cho biết, tuần qua, tình hình bệnh tay chân miệng trên toàn quốc vẫn rất căng thẳng, với số người mắc mới ở mức cao. Giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trong tuần cho thấy, cả nước ghi nhận thêm 2.091 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 51 tỉnh thành, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Kiên Giang và Cà Mau. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 61.805 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 61 địa phương trong đó đã có 114 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố.

TS Dương cũng cho biết, các trường hợp mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 69,1% số ca mắc và 89,5% số tử vong của cả nước). Các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu ở trẻ nam (71,2%), dưới 3 tuổi (80,2%). Đáng chú ý, qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng cho thấy, số mẫu dương tính với virus EV71 nguy hiểm và độc lực nhất chiếm 42,8%, còn lại là dương tính với các virus khác.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng nhận định, hiện nay số người mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Bên canh đó, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương chưa tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp từ nay tới cuối năm, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất chỉ đạo Kế hoạch Phối hợp hành động liên ngành về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong các trường học năm học 2011-2012, nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong, đảm bảo sức khỏe cho trẻ và học sinh. Kế hoạch đặt ra mục tiêu có trên 80% cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ hiểu rõ về bệnh tay chân miệng và kỹ năng vệ sinh cá nhân, cách pha và sử dụng Chloramin B để chủ động phòng chống bệnh dịch. Các cô nuôi dạy trẻ, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi thay tã lót và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo ăn chín, uống chín, không cho trẻ uống chung cốc và ăn chung thìa, đũa, bát.

Đồng thời, các trường cần thường xuyên tổ chức vệ sinh lau sạch bề mặt các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch sát khuẩn thông thường Chloramin B ít nhất 2 lần trong ngày, đảm bảo lớp học được thông gió. Bố trí khu vực rửa tay có xà phòng và nước sạch. Trong trường hợp có trẻ, học sinh có các biểu hiện bệnh như bị sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, giáo viên phải thông báo cho cha mẹ biết để trẻ, học sinh được cách ly, đưa đến cơ sở y tế khám và được điều trị kịp thời. Khi trẻ, học sinh có các dấu hiệu trên thì cho nghỉ học để tránh lây bệnh cho các trẻ, học sinh khác trong trường học.

NGUYỄN QUỐC / SGGP

Bình luận (0)