Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí sinh Tây Ninh, Bình Thuận và Lâm Đồng: Quan tâm thủ tục rút hồ sơ

Tạp Chí Giáo Dục

Qua nửa chặng xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào các trường ĐH-CĐ, điều thí sinh (TS) quan tâm hiện nay là thủ tục như thế nào để có thể nhanh chóng rút hồ sơ chuyển đổi NV trong trường hợp cảm thấy không an toàn, tránh vuột mất cơ hội.

Những băn khoăn này được các em đề cập tại chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2015 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận và Lâm Đồng mới đây. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh – Truyền hình 3 tỉnh trên.

Trực tiếp đến trường rút hồ sơ

Mở đầu chương trình, nhiều TS đặt câu hỏi: “Chúng em đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1 vào một số trường ĐH. Nay chúng em muốn rút hồ sơ chuyển sang trường khác, vậy cần những thủ tục gì?”. Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT – cho rằng hiện nhiều trường công bố danh sách TS đăng ký xét tuyển trên trang web, các em theo dõi để biết vị trí của mình. Nếu cảm thấy mức điểm của bản thân nằm trong khoảng không an toàn, các em nên nhanh chóng rút hồ sơ để chuyển sang những ngành, trường khác hợp với mức điểm. Cụ thể, TS đến trường ĐH-CĐ mình đăng ký xét tuyển rút giấy chứng nhận kết quả thi bản chính, sau đó mang đến trường khác nộp kèm mẫu đăng ký xét tuyển.

Ông Cường lưu ý thêm, các trường dành phần lớn chỉ tiêu xét NV1, TS cần cân nhắc lựa chọn ngành nghề phù hợp mức điểm, sở thích. Ở NV này, TS có quyền đăng ký 1, 2 hoặc 3 ngành, không nhất thiết đăng ký cả 4. Trước 25-8, các trường công bố kết quả xét tuyển. TS không đậu NV1 sẽ tiếp tục được tham gia xét tuyển NV bổ sung.

Ban tư vấn chương trình xét tuyển ĐH-CĐ 2015 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức giải đáp những thắc mắc liên quan đến thủ tục rút hồ sơ cho TS

TS khác đặt vấn đề, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ĐH thời gian qua vẫn… thất nghiệp, vậy những tân sinh viên sắp tới cần trang bị những gì để dễ chạm vào cơ hội việc làm hơn. Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – nhìn nhận, thực tế đã có nhiều cử nhân, kỹ sư thất nghiệp do không đáp ứng được yêu cầu gắt gao của doanh nghiệp về trải nghiệm, ngoại ngữ, vốn sống, kỹ năng… Sắp tới, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, nguồn việc sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thị trường lao động lại cần nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy, bên cạnh kiến thức chuyên môn, để có được cơ hội việc làm, người học còn cần trang bị kỹ năng, ngoại ngữ, chú ý đạo đức, thái độ làm việc…

Vốn ngoại ngữ ít có học được ngôn ngữ Anh?

Cũng nhấn mạnh vấn đề ngoại ngữ, ThS. Nguyễn Văn Huy – Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai – cho rằng, ngoài kiến thức chuyên môn, sau khi ra trường người học muốn nắm bắt cơ hội việc làm, cần có ngoại ngữ tốt.

Nhiều TS khác muốn học ngành ngôn ngữ Anh nhưng tỏ ra thiếu tự tin về vốn ngoại ngữ. ThS. Huy khuyến cáo, không ít em sau quá trình học phổ thông vẫn chưa có được phản xạ tốt hay giao tiếp tiếng Anh thông thạo. Tuy nhiên, vào ĐH, các em vẫn có thể cải thiện điều này. Đơn cử, tại trường, những sinh viên chưa đủ điều kiện ngoại ngữ sẽ được đào tạo bổ sung để theo kịp chương trình. Ở khối ngành kinh tế và kỹ thuật, tiếng Anh tổng quát được đào tạo cho sinh viên theo hướng chú trọng giao tiếp. Các em được học và “hành” ngay tại nhiều địa điểm.

ThS. Phạm Doãn Nguyên – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM – nhấn mạnh: TS đừng đặt nặng vấn đề ngành nghề nào hot, cùng với năng lực của bản thân, việc rèn luyện kỹ năng, kiến thức, ngoại ngữ sẽ giúp các em có cơ hội việc làm mong muốn. Theo ThS. Nguyên, trường xét với mức bằng sàn (15 điểm bậc ĐH và 12 điểm bậc CĐ) cho tất cả các ngành. Hiện khoảng 500 hồ sơ đã đăng ký, TS vẫn còn nhiều cơ hội, kể cả xét học bạ THPT.

Liên quan đến do dự của TS về việc có nên đăng ký học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô không, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thịnh – Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Giao thông vận tải 3 – chia sẻ, công nghệ kỹ thuật ô tô là một trong 10 ngành đào tạo tại trường, cũng là ngành chủ lực. Lý do để người học theo đuổi ngành này là cơ hội việc làm lớn bởi những năm sắp tới, phí nhập khẩu ô tô bằng 0, nhu cầu sử dụng ô tô cũng như nhân lực bảo trì bảo dưỡng ô tô sẽ cao. Sau khi tốt nghiệp, người học có cơ hội làm tại các công ty xí nghiệp về lắp ráp, sửa chữa, bảo dưỡng, các trạm đăng kiểm hoặc doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ô tô. Hiện trường có 2 phương thức xét tuyển là học bạ phổ thông (điểm bình quân từ 5,5 trở lên) và điểm thi THPT quốc gia (từ sàn trở lên).  Được biết học phí tại trường từ 3 đến 3,5 triệu đồng/học kỳ.

Về băn khoăn của TS, chỉ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, giờ có thể vào ĐH bằng cách nào, TS. Trần Thanh Vũ – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương – thông tin, vẫn còn con đường xét học bạ phổ thông dành cho các em. Trong 1.500 chỉ tiêu năm nay, trường dành 70% xét tuyển bằng học bạ; 30% xét điểm thi THPT quốc gia với mức điểm bằng sàn.

Bài, ảnh: M.Tâm

Bình luận (0)