Cách đây một thời gian, báo chí cả nước đồng loạt đăng tải thông tin quần áo, đồ chơi trẻ em sản xuất từ Trung Quốc có chứa formaldehyde. Chất này có nguy cơ xâm nhập qua đường mũi, miệng, gây bệnh bạch cầu, ung thư cho trẻ em. Ngay sau đó, người tiêu dùng đã kén chọn kỹ hơn, tìm kiếm những nguồn hàng uy tín tuy đắt tiền nhưng an toàn.
Thế nhưng, thông tin từ tổ chức Greenpeace công bố tháng 8.2011 cho biết, nhiều nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới cũng sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất quần áo!
Sự an toàn của hàng hiệu giờ đây không còn tỷ lệ thuận với giá bán.
Hết formaldehyde đến NPE
“Giờ ra chợ, thậm chí vào siêu thị, đụng đâu cũng gặp hoá chất độc hại. Trái cây, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản. Nội thất trong nhà thì chứa chất gây hại cho da, bệnh đường hô hấp. Giờ đến quần áo mặc trên người cũng có độc. Người dân chẳng biết dựa vào đâu để tìm một cuộc sống an toàn” – chần chừ lựa chọn vài bộ đồ trong siêu thị, chị Ngô Ngân Hoa, 40 tuổi ngại ngùng tâm sự. Không riêng gì chị Hoa, một buổi chiều dạo siêu thị, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã chứng kiến nỗi băn khoăn của các bà, các mẹ. Hơn ai hết, họ phải có trách nhiệm chu toàn cái ăn, cái mặc cho người thân trong gia đình, “nhưng đến hàng hiệu nhãn này, mác nọ cũng nhiễm chất độc thì dân thường thu nhập thấp như tôi chắc đành ôm cái độc chờ ngày chết!”, chị Minh Hà, 32 tuổi, một khách hàng đi siêu thị chia sẻ bức xúc.
Theo khảo sát của tổ chức Greenpeace, 14 nhãn hàng quần áo nổi tiếng được cho là bị nhiễm NPE (Nonyl Phenol Ethoxylate) đều sản xuất tại các nước châu Á như Trung Quốc, Philippines. Cũng theo nghiên cứu của tổ chức này, NPE nếu còn tồn tại trên quần áo có thể gây nhiều nguy cơ bệnh tật như: rối loạn nội tiết tố, phá vỡ các hormon, mất tỉnh táo và ảnh hưởng đến cơ chế sinh sản. Điều này dấy lên sự lo ngại tột cùng cho người tiêu dùng, bởi giờ đây, chọn lựa một sản phẩm có nguồn gốc, có nhãn mác đầy đủ cũng không chắc được rằng sức khoẻ sẽ an toàn!
Chưa kiểm chứng tại Việt Nam
Kỹ sư Trương Phi Nam, trưởng phòng nghiên cứu viện Dệt may Việt Nam cho biết: “Trên thực tế, một số hoá chất độc hại đã được cấm trong sản xuất quần áo, nhưng với những mặt hàng nhập bằng nhiều đường khác nhau, thì các nhà chức năng không thể kiểm soát hết. Hiện nước ta vẫn chưa kiểm định xem quần áo, vải sợi nhập có chứa NPE hay không. Đó là điều đáng lo ngại”.
Về sự độc hại của NPE, kỹ sư Nam cho biết: “NPE là hợp chất hữu cơ dùng trong nhiều ngành công nghiệp như sơn, điện tử, sản xuất nhựa, sản xuất chất tẩy rửa. Vì tính độc hại của nó, các nước châu Âu đã cấm sử dụng chất này trong sản xuất may mặc. Nếu quần áo còn tồn tại NPE thì là do chất này được dùng như một chất trợ tẩy, hoặc tham gia vào các công đoạn nhuộm, thấm vải, giúp những công đoạn này tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên về lý thuyết, sau công đoạn nấu tẩy quần áo, chất NPE sẽ được loại ra khỏi vải qua nước thải. Nếu nhà sản xuất không xử lý nước thải kỹ, nonyl phenol từ NPE có thể gây hại cho môi trường, bốc mùi ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm rối loạn phát triển hoặc gây chết cá, tôm. Nếu nguồn chất thải cạnh kề khu dân cư sẽ gây viêm nhiễm, bệnh qua đường hô hấp cho những ai hít phải. Nếu vì nguyên nhân nào đó NPE tồn dư trên áo quần, chất này có thể gây dị ứng da, tích tụ lâu dần trong cơ thể sinh bệnh tật, rối loạn sinh sản”.
Loại bỏ độc chất có dễ?
Trả lời câu hỏi làm sao loại bỏ NPE khỏi quần áo mới mua về, kỹ sư Trương Phi Nam cho biết: Một số hoá chất có thể được loại bỏ khỏi quần áo trước khi mặc bằng cách giặt nhiều lần, formaldehyde là một ví dụ. Nhưng không phải chất nào cũng được loại bỏ dễ dàng.
Tuy nhiên, đề phòng bệnh tật lây nhiễm, người tiêu dùng nên giặt quần áo thật kỹ và phơi ngoài nắng ráo trước khi mặc. Căn dặn trẻ em không ngậm, mút quần áo. Tốt hơn hết, người tiêu dùng nên chọn mua quần áo được sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc rõ ràng, ghi đầy đủ thành phần nguyên liệu. Các trung tâm đo lường, kiểm định chất lượng, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm định rõ ràng lại các sản phẩm, hàng hoá nhập từ nước ngoài, đưa ra những thông tin chính xác, tránh gây hoang mang cho người sử dụng.
Nguyên Cao / SGTT
Ths.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu, đại học Y dược TP.HCM:
Nên tránh các loại quần áo có mùi khó ngửi
Cũng đã có nhiều bệnh nhân tìm đến bệnh viện trong tình trạng da ngứa ngáy, viêm nhiễm. Một số trường hợp cho rằng bệnh do trong quần áo có chứa hoá chất gây độc. Ở những trường hợp này không ai có thể kiểm tra nguyên nhân một cách cụ thể, bởi da bị dị ứng có thể do chất tẩy rửa trong xà phòng giặt đồ, hoặc quần áo chưa được giặt sạch, vẫn còn xà phòng bám vào… Bởi vậy, nếu nghi ngờ quần áo chứa hoá chất gây hại, bạn phải lấy mẫu quần áo đó đem đến trung tâm kiểm nghiệm. Việc này phải do các cơ quan chức năng đảm nhiệm.
Trên thị trường hiện bán rất nhiều sản phẩm may mặc, nhãn mác có, vô danh có. Nhưng, để tránh những độc hại từ các loại quần áo không được sản xuất an toàn, bạn nên tránh các loại quần áo có mùi khó ngửi. Với quần áo nhuộm, bạn nên giặt cho đến khi nào hết ra màu mới sử dụng. Quần áo mới mua về không nên mặc ngay, mà phải giặt giũ để loại bỏ chất độc bám trên đó. Nên chọn mua sản phẩm sản xuất trong nước để an toàn cho chính mình.
Tin liên quan
Theo diễn giả văn hóa Lương Hoài Trọng Tính thì, nếu như đám cưới Nam bộ ngày trước có 6 lễ, gồm...
“Mỗi môn học đều có sự hấp dẫn riêng nhưng em thích nhất là đàn piano bởi những phím đàn tưởng chừng...
Hàng trăm nghệ nhân của các làng nghề truyền thống đặc sắc trên mọi miền đất nước quy tụ về với Ngày...
Trước tình hình các ca bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây, ngành y tế...
Bình luận (0)