Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tầm quan trọng của giấc ngủ với người làm việc ca đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Những người phải làm việc ban đêm nhiều thường bị giảm sút sức khỏe do giấc ngủ không được đảm bảo, đồng hồ sinh học bị đảo lộn.
Để khắc phục điều này, họ cần ngủ bù vào ban ngày. Tuy nhiên, việc ngủ không đúng cách sẽ khiến sức khỏe không hồi phục tốt.
Y học đã chứng minh, ở những người ngủ không theo giờ giấc nhất định, dạ dày và ruột non tiết ra dịch vị rất ít, khiến quá trình tiêu hóa dễ bị rối loạn. Bác sĩ của các hãng hàng không có nhận xét: nhân viên làm ca đêm hay bị đầy bụng, rối loạn chức năng của ruột. Việc làm ca đêm không phù hợp với đồng hồ sinh học, gây mệt mỏi.
Giấc ngủ bù vào ban ngày thường không có chất lượng cao, vì giấc ngủ ngon chỉ xuất hiện khi được thực hiện đúng thời điểm nhất định để tạo thành quán tính. Những người lao động ba ca khó giữ được yêu cầu này nên thường khó ngủ và ngủ không yên.
Hơn nữa, thời điểm mà con người dễ ngủ sâu nhất (khoảng 2-4 giờ sáng) lại là lúc họ đang phải làm việc. Điều này khiến cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn và đánh mất một cơ hội có được giấc ngủ chất lượng cao.
Để ngủ ngon, bảo đảm phục hồi sức khỏe, nơi ngủ phải yên tĩnh, nhiệt độ thấp và ít ánh sáng – một điều không dễ đạt được nếu đi ngủ vào ban ngày. Tiếng động và ánh sáng mạnh sẽ khiến con người ngủ không yên, nhịp hoạt động của nội tạng bị ảnh hưởng, các tuyến nội tiết hoạt động kém.
Vì vậy, những người làm việc đêm cần được gia đình dành cho một không gian yên tĩnh, kín đáo và mát mẻ để ngủ sau khi đi làm về.
Các chuyên gia y tế khuyên rằng, không nên ngủ ngay sau khi làm ca ca 3 về. Nên ngủ vào buổi trưa, thời gian từ 13 đến 21 giờ; đó là lúc giấc ngủ có tác dụng hồi phục sức khỏe tốt nhất (tất nhiên là kém so với ngủ vào ban đêm).
Theo Sức Khoẻ & Đời Sống

Bình luận (0)