Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm 2011 đến đầu tháng 10, trên toàn quốc đã ghi nhận hơn 53 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có hàng trăm trường hợp tử vong. Trên 3/4 số trường hợp tử vong là trẻ em từ 0 đến 3 tuổi. Vì sao bệnh tay chân miệng lại gia tăng nhanh đến như vậy?
Bệnh tay chân miệng là bệnh do vi-rút gây ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể xảy ra đối với người lớn. Vi-rút thường gây sốt, đau họng và mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường ở mức độ nhẹ và hồi phục trong vòng 7-10 ngày. Bệnh do vi-rút đường ruột gây ra (EV). Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Tại Việt Nam, tình hình dịch tễ học bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi-rút gây bệnh tay chân miệng.
Vi-rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với vi-rút tiết ra từ dịch mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân bệnh nhân hoặc người lành mang trùng. Vi-rút thường lây truyền qua bàn tay và tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn. Người bị nhiễm vi-rút thường dễ truyền bệnh cho người khác trong tuần đầu mắc bệnh. Vi-rút gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong cơ thể một vài tuần sau khi hết các triệu chứng của bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sau khi đã phục hồi sức khỏe trong thời gian đầu vẫn có thể làm lây truyền bệnh cho người khác. Chính vì thế, bệnh tay chân miệng gia tăng rất nhanh ở nước ta. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, tăng sức đề kháng của cơ thể và cách ly người bệnh.
Bác sĩ Phong Thu
Theo QĐND
Bình luận (0)