Mơ tam thể hay còn gọi là mơ lông vì cả hai mặt lá đều phủ một lớp lông nhung trắng, nhỏ mịn. Lá mơ có vị đắng, chua, chát.
Từ lâu, lá mơ thường được dùng như một loại rau sống ăn kèm với một số món thịt, nem thính, cá rán… Ngoài công dụng như một loại gia vị, mơ lông còn có tác dụng chữa bệnh. Theo Tuệ Tĩnh toàn tập – Thiền sư Tuệ Tĩnh, lá mơ lông tính mát, có tác dụng nhuận gan, giải nhiệt, mạnh tỳ vị, tiêu thực, sát khuẩn, chữa phong tê thấp, tẩy giun, giải độc… nhưng thông dụng nhất vẫn là chữa các bệnh về đường tiêu hóa
Bạn có thể sử dụng lá mơ như một loại thảo dược chữa sôi bụng, ăn khó tiêu, tiêu chảy do nóng, đau dạ dày, kiết lỵ… Theo bác sĩ Phạm Thị Thu Thảo, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM): “Mỗi khi có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, bạn lấy một nắm lá mơ tươi, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã lấy nước uống vài lần trong ngày sẽ có hiệu quả”.
Đối với bệnh kiết lỵ, ông bà ta thường dùng lá mơ tươi trộn đều với trứng gà sống. Sau đó, bọc hỗn hợp này bằng lá chuối, đem nướng chín hoặc dùng chảo (không dầu) đun vàng hai mặt. Lấy ra ăn ngày 3 lần, liên tục vài ngày.
Lá mơ lông tươi được làm thuốc chữa các bệnh đường ruột: bệnh lỵ amip, bí tiểu tiện, chữa ho cho trẻ em. Trường hợp mắc lỵ lâu ngày, có thể dùng rễ mơ lông sắc uống.
Theo Thúy Liễu
Báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên
Bình luận (0)