Nhân "Ngày toàn cầu rửa tay" (15-10), Liên hợp quốc khẳng định rửa tay bằng xà phòng vẫn là cách tiết kiệm chi phí và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh tật.
Liên hợp quốc cũng kêu gọi tất cả mọi người trên thế giới khuyến khích những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em – đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn khi tay có vi trùng, tập thói quen rửa tay.
Cố vấn cấp cao về vệ sinh dịch tễ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Therese Dooley nhấn mạnh xà phòng không hiếm, kể cả ở những nước đang phát triển, song phần lớn xà phòng vẫn chỉ được dùng để tắm, giặt chứ hiếm khi được dùng để rửa tay.
Trong khi đó, việc rửa tay ở những thời điểm quan trọng như sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn cơm là một biện pháp dễ dàng, thực tế và không tốn kém nhưng có thể giúp giảm tới 50% tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và 25% tỷ lệ nhiễm các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Nhân "Ngày toàn cầu rửa tay," UNICEF đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích mọi người rửa tay bằng xà phòng để ngăn chặn các căn bệnh đe dọa cuộc sống con người như tiêu chảy, viêm hô hấp cấp.
Trong chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về hoạt động rửa tay, đến nay 1,7 triệu học sinh ở 1.700 trường học của Afghanistan và gần 327.000 học sinh ở 1.272 trường học của Eritrea đã có thói quen rửa tay.
Tại Peru, chính phủ nước này đã công bố "Tuần rửa tay toàn quốc" bắt đầu từ ngày 10/10 với sự tham gia của trên 3,5 triệu học sinh. Hơn 8 triệu học sinh ở Ấn Độ và khoảng 1 triệu học sinh ở Pakistan cũng hưởng ứng hoạt động này.
Theo thống kê của UNICEF, ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em thiệt mạng do các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Theo TTXVN/Vietnam+
Bình luận (0)