Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không thể cào bằng chất lượng đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Trong đợt thi công chức diễn ra mới đây, tỉnh Nam Định chỉ tiếp nhận người tốt nghiệp đại học chính quy dài hạn, còn bằng dân lập, liên thông bị loại "ngay từ vòng hồ sơ". Đây là chủ trương được thực hiện ở phạm vi khá rộng đã gây nhiều luồng dư luận khác nhau.

SV các trường ngoài công lập ra trường nhiều nơi "chê" khi tuyển dụng (ảnh minh họa) Ảnh: N.Đ

 

Mặc dù có một số lượng lớn các nhà quản lý giáo dục, học giả, sinh viên…phản ứng quyết liệt nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng đó là hệ quả của việc xuống cấp chất lượng đào tạo của khá nhiều trường ĐH ngoài công lập.
 Đã khó tuyển sinh nay càng khó
Cuối năm 2010, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cũng đã đưa ra quy định không tuyển những viên chức nhà nước từ nguồn sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức.
Một số người cho rằng hệ tại chức có chất lượng quá kém do việc tuyển đầu vào quá dễ dàng, quá trình học tập và kiểm tra các môn học cũng như thi cuối khoá chưa nghiêm túc, hầu hết học viên đều đạt yêu cầu, thậm chí là khá, giỏi, miễn là nộp đủ học phí thì chắc chắn sẽ có tấm bằng tốt nghiệp.
Nam Định cũng đưa ra các lý do “để đảm bảo chất lượng trình độ các ứng viên, những người sau này sẽ trở thành các nhà lãnh đạo, tham mưu, hoạch định chính sách cho tỉnh”…
Những năm gần đây, do sự gia tăng đáng kể số lượng các trường ĐH, gây nên hiệu ứng thiếu thí sinh trầm trọng. Đồng thời, lâu nay vẫn tồn tại tâm lý sính các trường công lập khiến cho nhiều trường ngoài công lập cực kì khó khăn trong việc tuyển sinh.
Nhiều trường đã phải đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông bằng mọi cách thu hút thí sinh nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Và mặc dù Bộ GD&ĐT đã có công văn nhắc nhở nhưng một số trường vẫn gia tăng việc gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh, kể cả khi họ không hề dự thi vào trường mình.
Tổng kết giáo dục ĐH năm nay, khá nhiều trường ĐH ngoài công lập đã không thể tuyển đủ số chỉ tiêu đã xin phép, thậm chí khá nhiều trường không tuyển được chỉ 50% số chỉ tiêu, dẫn đến tình trạng phải đóng cửa một số ngành.
Việc một số địa phương, doanh nghiệp phân biệt bằng cấp khi tuyển dụng khiến cho thí sinh càng xa rời các trường ngoài công lập. Giải pháp xiết chặt các quy định mở trường, mở ngành mới của Bộ GD&ĐT gần đây xem ra đã quá muộn và không mấy tác dụng vì đã có quá nhiều trường ĐH được thành lập. Và để tồn tại, các trường ĐH ngoài công lập bây giờ bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt, từ xây dựng thương hiệu, nâng cao quy mô hạ tầng, chất lượng đào tạo để thu hút thí sinh…
Không thể cào bằng chất lượng
Nhiều ý kiến cho rằng xét cho cùng, quyết định của Nam Định là phản ứng khá tự nhiên của xã hội khi quá trình xã hội hóa giáo dục chưa tạo ra được niềm tin cần thiết. Sự gia tăng hàng loạt trường ĐH, CĐ với cơ sở vật chất yếu kém, thiếu giảng viên, đua nhau mở đa ngành để giành giật sinh viên, xin hạ điểm tuyển sàn.
Quá nhiều trường có chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, đào tạo không sâu và ai sẽ phải gánh chịu những hậu quả đó? Một cán bộ quản lý giáo dục cho rằng mặc dù trong quy định của pháp luật và thực tế lâu nay không có chuyện phân biệt giữa bằng cấp ở trường công lập và trường ngoài công lập nhưng rõ ràng chất lượng đầu ra của một số trường ngoài công lập có vấn đề, và do đó việc một số cơ quan, doanh nghiệp chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường công lập xem ra lại có lý.
Vị cán bộ này còn nêu ví dụ, ở nhiều nước, ai muốn học ĐH cũng có thể toại nguyện, nhưng việc kiểm soát đầu ra cực kì chặt chẽ, nếu không đạt chuẩn quy định thì không bao giờ có thể có bằng tốt nghiệp.
Nhưng ở ta thì ngược lại, đầu vào được quản lý khá chặt bằng phương pháp quản lý tuyển sinh một đầu mối nhưng đầu ra lại quá dễ, hầu như cứ vào trường ĐH là có thể tốt nghiệp và có bằng.
Và trong khi chiều hướng “chê” bằng tốt nghiệp ĐH hệ ngoài công lập đang có chiều hướng gia tăng thì chính các trường này lại có những bước đi khá khó hiểu. Mới đây, cuối tháng 10.2011, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập tổ chức hội nghị “Bàn về đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ” tại Hà Nội.
Tại hội nghị này, Hiệp hội thống nhất kiến nghị Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian tuyển sinh cho đến tháng 12.2011. Đồng thời, cũng có đề nghị thay đổi phương án tuyển sinh và đưa ra phương án “2 chung” và “một riêng”.
Theo đó sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung đề, chung đợt và các trường ĐH, CĐ tùy vào nhu cầu tuyển sinh của mình, sử dụng kết quả thi để xét điểm trúng tuyển, đồng nghĩa với việc sẽ xoá bỏ điểm sàn.
Với việc kiểm soát đầu vào bằng điểm sàn như hiện nay, chất lượng tuyển sinh công lập và ngoài công lập đã có sự khác biệt, thử hỏi khi bỏ điểm sàn thì chất lượng đầu vào sẽ còn đi tới đâu? “Chúng ta không nên cào bằng trí tuệ. Nếu nói trường nào cũng như nhau, không phân biệt đẳng cấp thì chẳng có ai phải cực khổ chen chân vào các trường tốp trên, chẳng cần phải đi du học làm gì!”, một cán bộ bức xúc.
Theo Lê Tâm
(VHO)

Bình luận (0)