Trong tổng tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành điện tử, doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm con số khiêm tốn với 8,74%. Số còn lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian gần đây, do chi phí nhập linh kiện để lắp ráp trong nước còn đắt hơn sản phẩm nhập nguyên chiếc nên đã có rất nhiều doanh nghiệp nội địa giải thể vì không thể cạnh tranh.
Sản xuất ti vi tại Công ty VTB. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp ngoại nắm chủ lực
Tại Khu công nghệ cao TPHCM, hiện có 30 dự án đầu tư ngành điện tử còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.735 triệu USD. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 16 dự án, vốn đầu tư đăng ký 1.343 triệu USD. Còn dự án có vốn đầu tư trong nước chỉ có 392 triệu USD. Tại khu chế xuất và khu công nghiệp đang có 44 dự án đầu tư ngành điện tử còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,287 tỷ USD. Thế nhưng, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm đến 30 dự án với vốn đầu tư đăng ký lên đến 1,207 tỷ USD.
Riêng các doanh nghiệp điện tử rải rác trên địa bàn quận, huyện, nay gần như không còn doanh nghiệp nào tồn tại. Số ít doanh nghiệp trước đây chuyên sản xuất lắp ráp dàn karaoke, nay cũng gần như ngưng hoạt động.
Tính từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng doanh thu doanh nghiệp ngoại luôn đạt mức trên 90%. Riêng trong năm 2014 là 91,26%. Về kim ngạch xuất khẩu, nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao như máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sản phẩm công nghệ số… được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao và trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của thành phố. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 14,8% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Thế nhưng, do phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên đến năm 2014, khi có một số doanh nghiệp ngoại trong Khu công nghệ cao thực hiện chuyển đổi sản phẩm, giảm công suất sản xuất thì kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn so với năm 2013.
Không có doanh nghiệp sản xuất trong nước đủ năng lực để sản xuất sản phẩm điện tử nên thị trường điện tử của thành phố lâu nay phó mặc cho các sản phẩm ngoại nhập tung hoành. Sự gia nhập của các hãng điện tử lớn từ nước ngoài vào Việt Nam như Sanyo, Sony, JVC, LG, Samsung đã lần lượt khai thác và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường tại chỗ. Các sản phẩm điện tử mang thương hiệu nội địa như máy vi tính, tivi của VTB, máy vi tính FPT elead, vốn rất èo uột lại ngày càng bị cạnh tranh quyết liệt. Số ít hiếm hoi sản phẩm nội địa đang cố gắng bám trụ trên thị trường nhưng khả năng tồn tại ngay trên sân nhà cũng rất khó.
Buông xuôi
Lý giải thực trạng trên, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết, các doanh nghiệp trong nước đa số quy mô nhỏ và vừa. Trình độ lao động còn ở mức thủ công, năng suất thấp. Thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước chưa chiếm được niềm tin của khách hàng. Rất ít doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế lớn. Khâu tiếp cận với các nguồn vốn, thông tin thị trường, mặt bằng sản xuất… cũng rất hạn chế nên khó có điều kiện mở rộng quy mô, cải tiến kỹ thuật, đầu tư nghiên cứu sản phẩm.
Về nguồn nguyên vật liệu, công nghiệp sản xuất linh kiện và công nghiệp phụ trợ của nước ta phát triển chậm, nên tỷ lệ nội địa hóa cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành hàng điện tử trong nước, chủ yếu phải phụ thuộc nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Hoa Kỳ… khiến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng cao.
Đặc biệt thời gian gần đây, khi sản phẩm điện tử ngày càng được phổ thông hóa, chi phí nhập linh kiện để lắp ráp trong nước còn đắt hơn sản phẩm nguyên chiếc. Do vậy, đã có rất nhiều doanh nghiệp nội địa giải thể vì không thể cạnh tranh lại.
Không chỉ vậy, phải thừa nhận rằng năng lực sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử của nước ta rất hạn chế. Các mảng quan trọng như sản xuất bo mạch, thiết kế linh kiện điện tử, thiết kế và sản xuất các sản phẩm điện tử… cũng yếu. Các doanh nghiệp chỉ lắp ráp sản phẩm theo thiết kế nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, ước tính chỉ vào khoảng 5% – 10%. Với thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: TPHCM đã bị bỏ xa trên con đường phát triển ngành công nghiệp điện tử.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện tử, trong thời gian tới, UBND TPHCM giao Sở Thông tin và Truyền thông tập trung xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp điện tử. Từ đó xây dựng quy hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp điện tử. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch, phần mềm điện tử, công nghệ thông tin. Đồng thời thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các nhà cung cấp trong nước. Hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tiến tới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
ÁI VÂN
(SGGP)
Bình luận (0)