Các chuyên gia nội tiết đánh giá, bệnh bướu cổ đang trở lại. Bởi năm 2005, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt tới trên 93%. Nhưng nay, số gia đình dùng muối i ốt chỉ còn 45%.
Nguy hiểm
Theo TS.BS. Lê Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Nội tiết TƯ), i-ốt được coi là một vi chất cần thiết đối với sự phát triển của đời sống con người. Ngay từ trong giai đoạn đầu của bào thai, cơ thể thai nhi hoàn toàn chịu ảnh hưởng đến việc hấp thu i-ốt của bà mẹ. Vào tuần 12 của thời kì thai ghén, thai nhi đã cần i-ốt để tự tổng hợp hoóc-môn giáp để duy trì sự sống.
Tùy từng giai đoạn khác nhau của đời người, khi thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau, thiếu i-ốt trong thời kì bào thai gây đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ sẽ tổn thương vĩnh viễn không thể nào chữa được. Ở các lứa tuổi khác có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó, thiểu năng giáp và giảm khả năng lao động và phát triển sức khỏe. Tuy nhiên, Các rối loạn do thiếu i-ôt hoàn toàn có thể phòng được nếu được bổ sung đều đặn hàng ngày.
Thiếu i ốt không chỉ gây bệnh bướu cổ, mà còn gây thương tổn vĩnh viễn thiểu năng trí tuệ ở trẻ em… không thể phục hồi.
Năm 2005, Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt Việt nam đã công bố thanh toán tình trạng thiếu i-ốt trong phạm vi toàn quốc. Khi đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt tới 93,2%, Tỷ lệ bướu cổ trẻ em <5 tuổi còn 3,6%. Từ thực tế trên, năm 2006, Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt không còn tồn tại và chuyển các hoạt động này thành chương trình thường xuyên của ngành Y tế, sự hỗ trợ của nhà nước về kinh phí, vật tư, trang thiết bị… rất hạn chế. Kinh phí để duy trì hoạt động PC CRLTI ở địa phương không được cấp như trước.
Mãi đến năm 2011, với sự hỗ trợ của Quĩ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, Tổng Cục thống kê đã tiến hành nghiên cứu: “ Điều tra đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em-MISC4” tại 6 vùng sinh thái trên toàn quốc với 11.545 hộ gia đình kết quả cho thấy chỉ có 45,1% các hộ gia đình trên toàn quốc sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (so sánh với năm 2005 tỷ lệ này giảm 48,3%). Độ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn ở các vùng sinh thái của nước ta giảm mạnh, không đáp ứng được mục tiêu khuyến cáo của Tổ Chức Y tế Thế giới (cao nhất là Tây nguyên: 88,1%, thấp nhất vùng châu thổ sông Hồng 27,8%).
“Đây là một số liệu đáng báo động. Bởi hậu quả của thiếu i-ốt rất nghiêm trọng. Đáng nói, hậu quả của thiếu i ốt không biểu hiện nhanh chóng ngày trong một vài ngày mà diễn tiến bệnh âm thầm, dần dần bào mòn sự phát triển trí tuệ và sự tăng trưởng của loài người. Tôi nhấn mạnh lại, phụ nữ và trẻ em bị tác động mạnh nhất của việc thiếu i-ốt, trong đó, những tổn thương do thiếu i-ốt gây ra (như đần độn, thiểu năng trí tuệ) không thể nào chữa được”, ông Phong nói.
Phòng ngừa được
Tại buổi mít-tinh hưởng ứng ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt diễn ra sáng 31/10 tại Hà Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên lo lắng trước thực trạng, ngày càng ít gia đình sử dụng muối i-ốt đạt chuẩn để phòng bệnh và nó sẽ kéo theo một loạt các hậu quả nặng nề khác.
Bà Xuyên cũng chia sẻ, không riêng gì Việt Nam mà ở các nước phát triển, sử dụng muối ăn có i-ốt là thường xuyên. Ở các nước đó, ngay cả muối ăn trên máy bay cũng bắt buộc sử dụng muối i-ốt.
Theo bệnh viện Nội tiết TƯ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng muối i-ốt giảm sút trong giai đoạn vừa qua là do khi chuyển đổi cơ chế từ chương trình mục tiêu quốc gia sang hoạt động thường xuyên chưa được chuẩn bị kỹ về pháp lý như quy định nguồn ngân sách, phương pháp giải ngân của các địa phương. Theo kết quả giám sát 30 tỉnh thực hiện dự án phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt chỉ có 17 tỉnh có kinh phí hoạt động (chủ yếu là ngân sách tự có). Hầu hết các labo kiểm tra chất lượng muối i-ốt tại đơn vị thực hiện dự án và các cơ sở sản xuất không hoạt động.
Hơn nữa, do sự bàng quan, thờ ơ của các cấp lãnh đạo chưa thấy rõ tác hại thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Nghị định qui định về sản xuất và cung ứng muối ăn cho người chưa được quán triệt đầy đủ.. Kinh phí cho hoạt động này không đáp ứng đủ nhu cầu trong thời gian dài. Ví như kinh phí cấp cho Bệnh viện Nội tiết chỉ đáp ứng 50% nhu cầu mua i-ốt trộn vào muối.
Thiếu vi chất như i-ốt, thiếu vitamin A và thiếu sắt được coi là nạn đói tiềm ẩn, gây nên những nguy hại mà mắt thường không nhìn thấy được. Trong khi đó, việc phòng chống tác hại thiếu iốt rất đơn giản và rẻ tiền, tuy nhiên lượng iốt cần phải liên tục được bổ sung. Hiệu quả của việc dự phòng đã được minh chứng tại Việt Nam và trên thế giới nếu có sự đồng thuận của các cấp chính quyền và giải pháp thực thi hiệu quả.
Hồng Hải
(Dân trí)
Bình luận (0)