Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Aspirin giúp ngừa ung thư đường ruột

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sư John Burn, trường ĐH Newcastle, cho rằng những bằng chứng về tác dụng phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa của aspirin là rất chắc chắn.

Các nhà khoa học khác cũng tin rằng phát hiện mới này góp phần bổ trợ cho quan điểm aspirin có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống ung thư.

Nghiên cứu được thực hiện trên 861 bệnh nhân với hội chứng Lynch – một hội chứng ung thư đường tiêu hóa, có tính chất di truyền, hội chứng này mắc phải với tỷ lệ 1/1.000 dân, ở Mỹ có tới 30.000 người mắc hội chứng Lynch. Kết quả cho thấy, những người được sử dụng 600mg aspirin hàng ngày, tỉ lệ mắc ung thư giảm 44% so với nhóm khác.

Ở nhóm dùng aspirin trong 2 năm, tỷ lệ này giảm xuống tới 63%. Với các loại ung thư khác, có mối liên hệ với hội chứng Lynch, thì tỷ lệ này giảm xuống còn một nửa ở nhóm được điều trị.

Nếu tất cả những người mắc hội chứng Lynch được điều trị thì có thể ngăn ngừa được 10.000 người bị ung thư trong vòng 30 năm và ông cũng suy đoán rằng nó có thể ngăn ngừa 1.000 người chết từ bệnh này.

Một nhóm nghiên cứu khác do giáo sư Peter Rothwell, một nhà thần kinh học tại trường đại học Oxford, cũng cho kết quả nghiên cứu tương tự.

Cơ chế tác dụng của thuốc là thông qua việc xác định và sửa chữa những ADN bị hư hỏng, thủ phạm gây các bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư tử cung và ung thư dạ dày. Khi có sự phân chia tế bào, có một số tế bào con được sinh ra có nguy cơ mắc lỗi và cơ thể con người có những cơ chế để khắc phục sửa chữa những tế bào con có ADN bị hư hỏng này hoặc tiêu diệt nó. Aspirin làm tăng cường quá trình sửa chữa hoặc tiêu diệt những tế bào có DNA bị lỗi này.

Tuy nhiên, aspirin cũng có nhiều tác dụng phụ. Nếu chúng ta có thể ngăn ngừa 10.000 người ung thư so với 1.000 người loét dạ dày tá tràng và 100 người đột quỵ, đó sẽ là một điều tuyệt vời.

Với những ai không có tiền sử gia đình rõ ràng về ung thư đại tràng, cần rất thận trọng cân nhắc khi dùng liều thấp aspirin hằng ngày và đặc biệt với những người có gene dễ mắc căn bệnh này. Aspirin đã được nhắc đến với vai trò làm giảm các cơn đau tim và đột quỵ não ở bệnh nhân có nguy cơ cao.

Giáo sư Peter Rothwell, ĐH Oxford, người thực hiện đề tài nghiên cứu này, nói rằng những nghiên cứu gần nhất đều cung cấp những bằng chứng xác đáng giúp ích trong việc tạo một viễn cảnh đẹp cho những người mắc bệnh ung thư. Ông cũng có lời khuyên cho một số người ở độ tuổi 45-70 có thể dùng liều thấp aspirin (75mg), nếu qua tuổi 75 thì tác dụng phụ của aspirin sẽ rất lớn, chủ yếu là chảy máu tiêu hóa.

GS Chris Paraskeva, làm việc tại một trung tâm nghiên cứu ung thư của Mỹ, nói: nghiên cứu này bổ xung vai trò quan trọng của aspirin, và những thuốc giống aspirin, trong cuộc chiến chống ung thư”.

Một câu hỏi đặt ra là liệu những người khỏe mạnh không có tiền sử nguy cơ ung thư có nên dùng aspirin hay không? Những người ít có nguy cơ đau tim hoặc ung thư thì dùng aspirin với liều thấp tương ứng, tuy nhiên vẫn có những nguy cơ tác dụng phụ khi dùng thuốc.

GS John cho rằng: tôi nghĩ rằng với những người ở độ tuổi 50 hoặc 60 tuổi, dường như rất cần thiết liều thấp aspirin hàng ngày bởi vì nó cho phép ngăn ngừa ung thư, đau tim và đột quỵ.

Tóm lại, vai trò của aspirin trong cuộc chiến chống ung thư nói chung và ung thư đại tràng, dạ dày nói riêng đang dần được khẳng định, nhưng việc sử dụng nó như thế nào, ra sao thì trước tiên bạn cần có lời khuyên từ các bác sỹ chuyên ngành để có thể có lựa chọn xác đáng.

Theo BS Trường Giang (Giadinh.net)
BBC Health

Bình luận (0)