Con tôi rất thích ăn đồ ăn nhanh, chồng tôi chiều con, ngày nào cũng cho cháu ăn. Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh như thế liệu cháu có mất cân bằng dinh dưỡng không? (Nguyễn Quỳnh Dạ Hương, Tây Hồ, Hà Nội)
Đồ ăn nhanh (fast food) rất hấp dẫn giới trẻ vì tiện ích, hấp dẫn. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn về cảm quan ấy là những mặt trái, như: cao năng lượng, nhiều đạm, nhưng lại ít vitamin, thiếu chất xơ và chất khoáng…
Nhiều nghiên cứu về thức ăn nhanh cho thấy, ăn hơn một lần một tuần loại thực phẩm này thì không tốt cho sức khỏe. Nếu dùng với thời gian dài, ngoài nguy cơ thiếu chất xơ, thiếu vitamin và chất khoáng, còn dễ dẫn đến những nguy cơ khác, như: dư thừa năng lượng và chất béo, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì với hàng loạt nguy cơ bệnh lý liên quan dư thừa dinh dưỡng: rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim…
Đặc biệt, lượng natri trong bánh burger, khoai tây chiên… cao hơn rất nhiều so với nhu cầu của cơ thể. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh tim, sỏi thận và xơ gan. Ngoài ra, Trans Fat là một loại chất béo cực kỳ nguy hiểm mới được phát hiện và nó có trong hầu hết các loại đồ ăn nhanh với tỷ lệ khá cao.
Chất đạm trong đồ ăn nhanh thay nhu cầu chất đạm hằng ngày (khoảng 15%, tương đương 120 – 150 g các thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc động vật). Song ăn quá nhiều đạm sẽ làm giảm tuổi thọ của thận, tăng nguy cơ sỏi thận, loãng xương và gây bệnh gút.
Ngoài ra, đồ ăn nhanh còn có các tác hại:
Dễ gây nghiện: Với thành phần chủ yếu là thịt và hương vị hấp dẫn, thức ăn nhanh dễ làm thực khách nghiện cảm giác cần phải ăn thịt mới thấy ngon miệng.
Ảnh hưởng khứu giác: Thói quen thích các món chiên nhiều chất béo và uống nước ngọt khiến trẻ không thích mùi vị nhiều loại thức ăn có lợi như rau quả…
BSDD Nguyễn Thị Tình
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)