Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Nhiều trường học đầu tư dạy tiếng Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học tiếng Trung Quốc tại Mỹ. Ảnh: I.T

Một cuộc thăm dò của chính phủ cho thấy rằng hàng ngàn trường công lập trên toàn nước Mỹ đã ngưng dạy ngoại ngữ trong thập niên qua, bất kể đến việc đất nước luôn cần có thêm các chuyên viên nói giỏi tiếng ngoại quốc, để đảm trách các nhiệm vụ ngoại giao và cả thương mại trên thế giới. Tuy nhiên cùng lúc một khuynh hướng có phần đi ngược lại trào lưu trên, cũng do các nhà hoạch định chính sách và giáo dục đưa ra, đó là sự chạy đua của các trường học để dạy tiếng Trung Quốc.
Số trường dạy tiếng Trung Quốc tăng nhanh
Có một số trường đã phải bỏ tiền ra để mở các lớp dạy nói tiếng Trung Quốc, nhưng có đến nhiều trường khác đã nhận được một số sự trợ giúp nào đó. Thật vậy chính phủ Trung Quốc hiện nay vẫn gửi thầy cô dạy tiếng Trung Quốc đến các trường trên khắp thế giới và lẽ dĩ nhiên do chính phủ này trả một phần hay toàn bộ số lương cho các thầy cô này. Vào một lúc mà ngân sách giáo dục bị cắt giảm như hiện nay, nhiều trường học tại Mỹ đã thấy rằng việc gửi giúp các thầy cô dạy tiếng Trung Quốc là quá tốt, khó để có thể chối từ được.
Parthena Draggett, điều khiển chương trình giảng dạy ngoại ngữ tại Trường Trung học Jackson, ở Massillon, tiểu bang Ohio, cho biết trường này khởi đầu mở lớp dạy tiếng Trung Quốc hồi mùa thu năm 2007, với khoảng 20 học sinh theo học, thì nay đã có đến 80 học sinh. Bà Parthena cho biết tiếp: “Chúng tôi đã được cung cấp miễn phí một giáo sư dạy tiếng Trung Quốc. Tôi cũng muốn mở một lớp dạy tiếng Tây Ban Nha cho các học sinh, tuy nhiên chúng tôi không kiếm ra đâu được một người dạy tiếng Tây Ban Nha mà khỏi phải trả lương cả”.
 Trong hai năm đầu tiên đưa tiếng Trung vào chương trình giảng dạy, quận Jackson ở bang Ohio đã cung cấp cho các giáo viên người Trung Quốc nhà ở, xe hơi, xăng dầu, bảo hiểm y tế và các khoản hỗ trợ khác khoảng 26.000 USD. Năm nay, chính quyền quận cũng trả thêm cho các giáo viên Trung Quốc có kinh nghiệm hơn mức lương 49.910 USD và những hỗ trợ khác, ngoài ra còn cấp thêm 13.000 USD chi phí đi lại khiến họ có mức sống không thua kém so với các giáo viên bản địa ở Ohio.
Sau chuyến thăm Trung Quốc cùng với 400 nhà giáo dục Mỹ đến từ 39 bang trong khuôn khổ chương trình do Hanban tài trợ, bà Draggett của trường Jackson đã quay trở về với quyết tâm bắt đầu một chương trình giảng dạy tiếng Trung.
“Tiếng Trung đang thực sự bắt rễ ở đây”, bà Draggett cho biết. Bắt đầu từ mùa thu năm nay, chương trình dạy tiếng Đức của trường sẽ bị cắt giảm dần để nhường chỗ cho các tiết học tiếng Trung.
Tuy không có một cuộc thống kê chính thức, nhưng các cuộc phỏng tính của ngành giáo dục Mỹ cho thấy, hiện nay có khoảng 1.600 trường học công và tư đang giảng dạy tiếng Trung Quốc, tăng từ mức 300 trường cách đây khoảng một thập niên.
Trevor Packer, Phó chủ tịch Hội đồng giáo dục Mỹ, ghi nhận rằng số học sinh học và thi tiếng Trung Quốc, chỉ mới được áp dụng hồi năm 2007, đã gia tăng con số một cách nhanh chóng. Nó vượt qua luôn tiếng Đức, ngoại ngữ thứ ba được nhiều học sinh Mỹ chọn lựa học, giờ đây chỉ còn dưới tiếng Tây Ban Nha dẫn đầu, và kế đó là tiếng Pháp mà thôi.
Nguyên nhân
Cách đây một thập niên, đa số các trường có chương trình giảng dạy tiếng Trung Quốc đều nằm ở 2 bên duyên hải nước Mỹ, phía Đông và phía Tây, trong đó có tiểu bang California. Nhưng trong vài năm trở lại đây, thì nhiều trường dạy tiếng Trung Quốc đã được ghi nhận xuất hiện tại các tiểu bang sâu trong nội địa ở Mỹ, trong đó có Ohio và Illinois ở vùng Trung Tây, Texas và Georgia ở vùng phía Nam, Colorado và Utah ở bên cạnh núi Rocky Mountains, những vùng không có mấy người trong cộng đồng gốc Trung Quốc. Các chuyên viên cho rằng có nhiều yếu tố khiến có sự đổ xô đi học tiếng Trung Quốc tại Mỹ là vì các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh và cả các học sinh đều ghi nhận sự vươn lên của Trung Quốc như một quốc gia quan trọng về nhiều mặt, nên việc thông thạo ngôn ngữ của nước này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn trong tương lai.
Vào thập niên 1980, nhiều trường học mở lớp dạy Nhật ngữ, vì nhìn thấy Nhật Bản như một cường quốc kinh tế, tuy nhiên kinh tế của nước Nhật đã sụt giảm dần sau đó, nên các trường học đã giảm dần việc giảng dạy tiếng này, cũng như các tiếng Pháp, Đức hay Nga.
(Theo The New York Times)
Lê Hoàng

Bình luận (0)