Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Argentina: Nan giải vấn đề xóa mù chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Một em bé người Argentina đang xem sách (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Một khảo sát gần đây của UNICEF cho thấy có khoảng 9,2% trẻ em ở Argentina được sinh ra và lớn lên trong tình trạng mù chữ và không được giáo dục. Kết quả nghiên cứu thường niên của UNICEF có chủ đề “Tình trạng trẻ em thế giới” đưa ra khá bất ngờ vì Argentina được cho là nước có tỉ lệ người đi học cao nhất châu lục.
Tuy tỉ lệ người đến trường cao hơn những nước láng giềng ở châu Mỹ – La Tinh nhưng những con số này chưa phản ánh được hết thực trạng về nạn mù chữ ở Argentina. Kết quả này chủ yếu dựa trên tình hình ở Buenos Aires, một thành phố luôn tự hào về nền giáo dục của mình. Thủ đô này là nơi có các trường đại học tốt nhất và những tên tuổi có tiếng tăm trong nền văn học Mỹ – La Tinh.
Nhưng ngoài khu vực thủ đô thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Khu vực có tỉ lệ người mù chữ cao nhất là ở cộng đồng người bản xứ. Vùng dân cư này thường hiếm khi tham gia vào các cuộc khảo sát do sự cô lập về mặt địa lý. Nhiều cộng đồng vẫn còn duy trì ngôn ngữ bản xứ như Guarani và Toba. Một số ngôn ngữ này đang dần biến mất, có lẽ là hậu quả của việc mù chữ. Muốn bảo tồn một ngôn ngữ nhưng không có khả năng đọc và viết thì điều này rất khó thực hiện. Không hề có sự tình cờ nào khi Bolivia, đất nước Nam Mỹ có tỉ lệ thất học cao nhất cũng là nước có dân số bản xứ cao nhất (khoảng 70%). Tỉ lệ mù chữ cũng tương tự như thế ở vùng Đông Bắc Argentina, nơi cộng đồng người bản xứ nhiều gấp hai lần những vùng còn lại.
Có nhiều điều khác theo sau vấn đề này. Nhiều người còn e ngại việc thừa nhận mình mù chữ. Việc không biết chữ ở đây mang nghĩa rộng hơn. Có thể phân chia việc mù chữ theo chức năng: về nghĩa đơn giản, họ có thể đọc – viết. Họ có thể viết được tên mình và có khả năng đọc số nên tự cho rằng mình biết chữ nhưng trong thực tế, họ không có những kỹ năng cơ bản khác trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Ở Argentina, có một hệ thống được thực hiện bởi những tổ chức được phân bố theo vùng gọi là UMMEP (tiếng Tây Ban Nha là “Tạo nên một thế giới tốt hơn là điều hoàn toàn có thể”). Dự án này được thực hiện ở những nơi họ nhận thấy vấn đề về mù chữ tồn tại ở cộng đồng người bản xứ hoặc ở những khu vực dân cư nghèo ở Buenos Aires. Hiện giờ chương trình đang được áp dụng ở 12 quận bởi những thành viên tình nguyện xóa mù chữ cho hơn 2.100 dân ở mỗi vùng.
Tổ chức UNMEP nhận ra rằng vấn đề không chỉ là mù chữ mà là việc mất công bằng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Họ tin rằng biết đọc và viết thì mang ý nghĩa nhiều hơn việc đọc – viết đơn thuần. “Ở đây chúng ta nói về việc tham gia giải quyết vấn đề thường ngày mà không phải phụ thuộc vào người khác để đọc giùm bạn hay giúp bạn điền vào đơn xin việc hoặc lo lắng vì không chắc chắn về những giấy tờ bạn đang ký. Đây là một sự thay đổi trong đời sống và tất nhiên thay đổi cả xã hội” – một thành viên của tổ chức UNMEP cho biết.
Thông điệp này được đồng tình bởi những tổ chức xóa mù chữ khác với mục đích to lớn hơn là mang đến cho người dân sự tự tin và độc lập cá nhân. Như nhiệm vụ của Fundacion Leer, một chương trình ở Argentina nhằm đẩy mạnh tầm quan trọng của việc đọc chữ và “tạo nên một cơ hội mở rộng và lâu dài cho sự phát triển cá nhân để có thể hòa nhập tốt vào cuộc sống xã hội”.
Trong khi việc xóa mù chữ ở trẻ em được tiến hành như những nơi trên khắp thế giới thì gần đây một số tổ chức đã thúc đẩy hơn nữa công tác xóa mù chữ ở người lớn. Bên cạnh lợi ích trực tiếp của việc giáo dục nhóm dân số lớn tuổi, thì còn là chìa khóa cho việc cải thiện việc giáo dục trẻ em. Khi cha mẹ không thể đọc – viết thì nguy cơ con cái họ rơi vào tình trạng tương tự là rất lớn. Trong trường hợp cha mẹ chỉ học hết tiểu học thì trẻ em trong những gia đình như thế thường cũng chỉ học đến hết cấp 1.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Buenos Aires (UBA) cho thấy tình trạng thanh thiếu niên cũng như người lớn chưa được đến trường. Tiến sĩ Maria Teresa Sirvent, người đứng đầu cuộc nghiên cứu này giải thích: “Biết chữ bao gồm biết những kỹ năng cơ bản của đọc và viết. Đây là các yếu tố quan trọng cho cuộc sống”. Theo nghiên cứu thì 93% trẻ em nghèo không được trang bị những kỹ năng cần thiết để bước vào đời. Có trường hợp một vùng có một số lượng lớn dân cư “bị bỏ sau nửa đường trong giáo dục” và khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống là điều tất nhiên.
Nghiên cứu của UBA cũng nêu lên sự thiếu hụt của hệ thống giáo dục và đặc biệt là mảng giáo dục người lớn. Độ tuổi có sự giáo dục yếu kém nhất là 15-19 tuổi và 60-64 tuổi. Điều này cho thấy có hai nhiệm vụ cần được thực hiện song song: giáo dục thế hệ trẻ và củng cố thế hệ lớn tuổi.
(theo argentinainde-pendent.com)
Ngọc Trúc

Bình luận (0)