Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết có 70% các bệnh mới nổi có nguồn gốc từ động vật.
Ảnh: Chinhphu.vn
|
Thông tin được cho biết tại hội thảo chuyên đề “Mạng lưới quốc gia “Một sức khỏe” các trường đại học Việt Nam” tổ chức ngày 22/11, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Hội thảo do trường Đại học Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, Đại học Nông nghiệp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Gần 100 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.
Đây cũng là buổi họp đầu tiên của mạng lưới này ở Việt Nam nhằm thúc đẩy cơ chế ứng phó hiệu quả đối với các dịch bệnh từ động vật có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Hội thảo đã đi sâu vào nội dung kế hoạch “Một sức khỏe” trong chiến lược quốc gia về phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Các đại biểu đã đưa ra nhiều phương pháp trong việc phòng ngừa và ngăn chặn các bệnh dịch mới bùng phát gần đây như SARS, H1N1, H5N1…
Phương pháp tiếp cận "Một sức khỏe" cho thấy cần có mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật với sức khỏe hệ sinh thái, và sự phối hợp giữa các lĩnh vực để có thể ứng phó nhanh và hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho động vật và cả môi trường.
Theo GS. TS Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng trường Đại học Y tế công cộng, “Một sức khỏe” là giải pháp đề cập đến đa ngành và xuyên ngành trong việc bảo vệ sức khỏe con người, động vật và môi trường. “Một sức khoẻ” cần có sự phối hợp đa ngành ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và khu vực. Những hoạt động chính của mạng lưới này hướng tới là xây dựng chương trình đào tạo và nghiên cứu “Một sức khỏe” tại các trường đại học chuyên ngành y, thú y.
Theo Chấn Nguyên
(Chinhphu.vn)
Bình luận (0)