Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Trung cấp Nghề Quốc tế Hồng Lam: Đào tạo gắn với nhu cầu lao động xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hai năm đi vào hoạt động, Trường Trung cấp Nghề Quốc tế Hồng Lam đã khẳng định được uy tín của mình bằng chương trình đào tạo tiên tiến, trang thiết bị dạy và học hiện đại, cùng đội ngũ giáo viên tận tâm…
Ngày 10/09/2009, Trường TCN Hồng Lam được đổi tên thành Trường Trung cấp Nghề Quốc tế Hồng Lam. Được biết, việc đổi tên trường sau hai năm hoạt động nhằm mục đích nhấn mạnh trọng tâm hoạt động của trường là phấn đấu đạt tới trình độ quốc tế trong việc cung cấp các dịch vụ đào tạo. Tìm hiểu thêm điều này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Nhà trường.

Khu Ký túc xá của Trường

* Việc thay đổi tên trường, có ảnh hưởng gì đến chất lượng, phương châm đào tạo không, thưa ông?
– Ngày 10/09/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định số 3077/QĐ-UBND, cho phép Trường TCN Hồng Lam được đổi tên thành Trường Trung cấp Nghề Quốc tế Hồng Lam. Việc đổi tên là do nhu cầu phát triển của trường cũng như xã hội và nó không ảnh hưởng gì đến chất lượng, phương châm đào tạo. Ngược lại còn có lợi cho học viên.
* “Có lợi”, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
 – Đổi tên nhưng mục tiêu của trường vẫn tập trung đào tạo các ngành nghề cần thiết cho xã hội nói chung và cho các khu công nghiệp trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh lân cận nói riêng. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học viên, trường vừa đầu tư mới cơ sở vật chất hiện đại trên diện tích 4 hecta với hệ thống phòng học, nhà xưởng và các công trình phụ trợ theo tiêu chuẩn mới nhất của Việt Nam về trường dạy nghề. Ngoài ra, trường còn có hệ thống sân vận động, nhà ăn và ký túc xá ngay trong khuôn viên nhà trường; thư viện phục vụ trong ngày và buổi tối, kể cả cuối tuần, truy cập internet không dây miễn phí…
* Hiện tại, chương trình đào tạo của trường có gì đặc biệt?
– Hiện tại, Trường đang đào tạo hệ đào tạo trung cấp nghề và sơ cấp nghề với các ngành nghề: Hàn, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… Theo học tại trường, học viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề (chiếm 75% thời lượng của chương trình); có khả năng làm việc độc lập và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp… Ngoài ra, trường còn có loại hình đào tạo theo địa chỉ.

Quang cảnh buổi thực tập sửa chữa ôtô

* Có phải là mô hình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, thưa ông?
– Gần như vậy, cụ thể là trường đào tạo theo địa chỉ doanh nghiệp (apprenticeship) là một loại hình đào tạo kết hợp việc học tập của học viên được doanh nghiệp tài trợ (thường là nhân viên mới tuyển) nhằm rèn luyện nâng cao dần kỹ năng làm việc tại doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập tại trường. Theo mô hình này, doanh nghiệp cùng nhà trường tuyển sinh đồng thời với quá trình tuyển dụng nhân viên mới của doanh nghiệp. Trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, học viên được hưởng chế độ lương của doanh nghiệp áp dụng cho nhân viên.
* Hợp tác đào tạo quốc tế là một yếu tố góp phần cho sự phát triển của giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, quan điểm của ông thế nào?
– Tôi đồng ý. Và trường Hồng Lam đã triển khai việc hợp tác, liên kết đào tạo với các đơn vị đào tạo uy tín tại nước ngoài ngay từ buổi đầu thành lập. Hiện tại, Hồng Lam hợp tác chặt chẽ với Học viện Cao đẳng nghề Box Hill (Australia). Nhà trường cùng đối tác này triển khai các khóa đào tạo hệ chính quy 2 năm (trung cấp nghề) theo hệ thống văn bằng Australia và Việt Nam để phục vụ thị trường lao động tay nghề cao trong nước và thị trường lao động các nước nói tiếng Anh. Cụ thể là trong niên khóa đầu tiên, tuy chưa tốt nghiệp nhưng các học viên đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký nhận và làm tại công ty.

Toàn cảnh Trường TCN Quốc tế Hồng Lam

* Định hướng phát triển của trường trong tương lai?
– Trong vòng 5 năm đầu hoạt động, nhà trường phấn đấu tăng dần số học viên hệ chính quy (trung cấp nghề) tốt nghiệp hàng năm lên đến 300 người, trong đó 80% có cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Số còn lại tham gia các chương trình xuất khẩu lao động tay nghề cao.
* Vì sao ông lai quyết định đầu tư vào trường?
– Hơn 30 năm làm việc tại Việt Nam và nước ngoài, tôi nhận thấy nhu cầu về người thợ, nhất là lao động có tay nghề cao rất lớn. Từ đó, tôi luôn mong muốn thành lập một đơn vị đào tạo nghề chất lượng tại Việt Nam nhằm tạo môi trường học tập tốt, giúp các em vững tay nghề, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Và đến năm 2007, mơ ước đó đã thành hiện thực với sự ra đời của trường TCN Hồng Lam.
* Xin cám ơn ông!
N.Điệp (thực hiện)

Bình luận (0)