Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chính sách đầu tư trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đồng thời chú trọng đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), đặc biệt là đối với các vùng và đối tượng khó khăn. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này so với nhu cầu thực tế của công tác CSSKSS cho nhân dân thì còn rất hạn chế.

 Ảnh minh họa. Nguồn giadinh.vcmedia.vn
Trong Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010, được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số: 136/2000/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 11 năm 2000, mục tiêu chung được xác định: “Bảo đảm đến năm 2010 tình trạng SKSS được cải thiện rõ rệt và giảm được sự chênh lệch giữa các vùng và các đối tượng bằng cách đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đa dạng về CSSKSS phù hợp với điều kiện của các cộng đồng ở từng địa phương, đặc biệt chú ý đến các vùng và đối tượng có khó khăn”. Trong 10 năm qua chúng ta đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thách thức triển khai có kết quả tốt các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược quốc gia. Nhà nước Việt Nam trong điều kiện của mình luôn cam kết đảm bảo quyền được CSSKSS cũng như nhu cầu CSSKSS, không phân biệt giàu nghèo, khu vực, tuổi tác, bệnh tật. Việc đã thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam trên thực tế đã thực hiện tốt các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) đã cam kết. Thời gian vừa qua, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ – Trẻ em đã phối hợp cùng các chuyên gia trong nước tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược CSSKSS và phối hợp cùng Tổng cục DS/KHHGĐ xây dựng Chiến lược Dân số- Sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt ngày 14 tháng 11 năm 2011.
Việc nâng cao sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em cũng được thể hiện rất rõ trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 22/02/2001. Ngay trong mục tiêu tổng quát của Chiến lược, vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được chú trọng hàng đầu, không phân biệt vùng, miền: “Đảm bảo đến năm 2010, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân được cải thiện rõ rệt, các gia đình trước hết là trẻ em và bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc hợp lý, bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, bảo đảm về an toàn vệ sinh…”. Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, còi xương, bệnh tật, nâng cao thể trạng cho trẻ em. 
Trên thực tế, về đầu tư, mặc dù Chiến lược quốc gia về CSSKSS đã được phê duyệt từ năm 2001, nhưng trong giai đoạn 2001-2007, mỗi năm ngân sách trung ương chỉ đầu tư cho CSSKSS vài tỷ đồng trong khuôn khổ chương trình cấp Bộ. Kể từ năm 2008, Dự án Mục tiêu quốc gia về CSSKSS mới bắt đầu được triển khai. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2008, ngân sách giành cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về SKSS đạt 15 tỉ cho 20 tỉnh, năm 2009 là 18 tỉ cho 26 tỉnh, năm 2010 là 35 tỉ cho 31 tỉnh. Do hạn chế về nguồn lực tài chính, Dự án chủ yếu mới tập trung vào nhóm hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tuyến cơ sở của các tỉnh miền núi, tỉnh khó khăn. Năm 2011, Dự án được phân bổ 45 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho 34 tỉnh, tăng khá nhiều so với các năm trước tuy nhiên vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thực tế của các địa phương.
Còn theo báo cáo của Trung tâm CSSKSS các tỉnh, thành phố, trong tổng số 303,7 tỷ đồng ngân sách đầu tư cho CSSKSS từ 2006 đến 2010 (từ cấp tỉnh trở xuống, không kể ngân sách thường xuyên) , 48,3% là ngân sách của trung ương, 26,7% là ngân sách địa phương, 11% là nguồn viện trợ và 14% là từ các nguồn khác. Tuy con số thống kê nói trên là chưa đầy đủ nhưng sơ bộ có thể nhận định rằng tổng mức đầu tư cho CSSKSS còn rất hạn chế từ tất cả các nguồn, đặc biệt là nguồn ngân sách địa phương.
Với nguồn ngân sách của nhà nước giành cho công tác CSSKSS còn hạn chế, Ngành y tế đã và đang chú trọng để ưu tiên các vùng miền khó khăn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, tập trung hơn vào những nhóm đối tượng dễ tổn thương. Đồng thời với đó, tranh thủ sử dụng nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, lồng ghép các hoạt động của Chương trình mục tiêu Quốc gia về SKSS với các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức trong nước để có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Lưu Thị Hồng
(ĐCSVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)