Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những dấu hiệu bệnh viêm tắc động mạch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Viêm tắc động mạch (VTĐM) có triệu chứng nổi bật là hoại tử vùng tổ chức do động mạch đó nuôi dưỡng.
Tổn thương viêm tắc động mạch chân.
 Bệnh thường gặp ở nam giới, chi dưới mắc bệnh nhiều nhất, nhưng cũng gặp ở chi trên, ruột, động mạch vành, động mạch não…
Các yếu tố nguy cơ gây VTĐM
Người ta cho rằng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, đó là: nghiện thuốc lá, khí hậu lạnh và ẩm kéo dài, ăn uống thiếu các vitamin, căng thẳng về tâm sinh lý kéo dài… tác động lên thần kinh trung ương và hệ thần kinh giao cảm, gây ra các phản ứng co thắt ở động mạch. Do co thắt động mạch lâu ngày dẫn đến thiếu máu cục bộ và đau đớn vùng tổ chức do động mạch nuôi dưỡng. Các yếu tố này trở thành kích thích nội sinh tác động trở lại hệ thần kinh làm cho tình trạng co thắt động mạch càng nặng. Cuối cùng dẫn tới tắc hoàn toàn động mạch, vùng tổ chức liên quan thiếu máu nuôi dưỡng bị hoại tử gây đau đớn và nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Dấu hiệu phát hiện bệnh
Một người bị VTĐM có thể thấy một hay nhiều dấu hiệu sau đây: cảm giác lạnh và dị cảm như tê bì, kiến bò… ở chi bị tổn thương. Khi hoạt động chóng mỏi và giảm khả năng vận động của chi. Đối với chi dưới bị tổn thương sẽ có dấu hiệu “đi cách hồi”: bệnh nhân đi được một đoạn đường, xuất hiện đau dữ dội và co rút cơ ở bắp chân nên phải dừng lại để nghỉ; nghỉ vài phút hết đau lại có thể đi tiếp; nhưng chỉ đi tiếp được một quãng đường ngắn hơn đoạn trước thì lại xuất hiện các triệu chứng trên và bệnh nhân lại phải dừng lại để nghỉ; quãng đường đi được giữa các lần nghỉ ngày càng ngắn lại, còn thời gian phải nghỉ để đỡ đau ngày càng dài ra. Khám thấy da của chi bị tổn thương màu tái nhợt hoặc xen kẽ các chỗ tái nhợt với da bình thường.
Nếu bệnh nhân để thõng chân xuống (để máu dồn xuống chân nhiều hơn) thì thấy da đỡ tái nhợt và hồng lên. Làm nghiệm pháp gẫp duỗi cổ chân: bệnh nhân nằm sấp, gấp duỗi khớp cổ chân vài lần thì sẽ thấy chỉ trong vài giây bàn chân của bệnh nhân sẽ trở nên tái nhợt; khi bệnh nhân đứng dậy nếu trong 10 giây màu da bàn chân không trở lại bình thường thì chứng tỏ có tổn thương VTĐM chi dưới. Nếu bệnh nhân ngồi trên giường hay trên ghế buông thõng chân xuống, theo dõi thời gian các tĩnh mạch mu chân đầy trở lại: bình thường các tĩnh mạch này đầy trở lại trong vòng 7 giây, nếu thời gian dài hơn chứng tỏ có thể có VTĐM. Bắt mạch chày sau và mạch mu chân, so sánh mạch ở hai chân thấy mạch yếu hoặc mất. Rối loạn tiết mồ hôi: da ở chi bị viêm tắc động mạch thường khô, teo. Lông chân thưa, rụng. Các cơ bị teo, nhẽo. Xương chi bị xốp do loãng xương. Loét và hoại tử đầu chi thường thấy ở giai đoạn cuối của bệnh, cảm giác đau ở chi tăng lên và liên tục, xuất hiện các vết loét ở đầu ngón chân và mu bàn chân, toàn trạng bệnh nhân suy sụp do nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng.
Các xét nghiệm: đo dao động động mạch xác định được mức độ giảm biên độ dao động của động mạch bị viêm tắc ở chi tổn thương. Soi mao mạch: thấy giảm số lượng và đường kính các mao mạch ở vùng tổn thương, tốc độ di chuyển của hồng cầu trong mao mạch cũng bị giảm. Đo nhiệt độ da: thấy nhiệt độ da của chi bị tổn thương bị giảm đi rõ rệt so với bên lành. Siêu âm: thấy thành động mạch dày lên, có các cục nghẽn mạch… Chụp động mạch cản quang xác định được hình dạng và mức độ co thắt của các động mạch bị viêm tắc, hình các cục nghẽn mạch… Chụp cắt lớp và cộng hưởng từ xác định được các tổn thương VTĐM.
VTĐM cần phân biệt với một số bệnh: hoại tử đầu chi trong bệnh đái tháo đường: không có dấu hiệu “đi cách hồi”, vị trí bị hoại tử thường ở gan bàn chân, gót chân, xét nghiệm thấy đường máu tăng, có đường trong nước tiểu. Bệnh xơ vữa động mạch: tổn thương động mạch của toàn thân chứ không riêng chi dưới như bệnh VTĐM, có hoại tử vùng chi do xơ vữa động mạch nhưng thường xuất hiện ở người già, có tăng huyết áp, cholesterol máu cao… Bệnh Raynaud: hay gặp ở nữ giới, trẻ tuổi, tiến triển thành từng đợt, tổn thương chủ yếu là ở đầu chi và đối xứng cả hai bên.
Lưu ý trong điều trị và phòng bệnh
Điều trị VTĐM cần  dùng các thuốc chống co thắt mạch máu, thuốc giảm đau kết hợp sử dụng vật lý trị liệu: chiếu sóng ngắn, xoa bóp… Cắt cụt chi bị VTĐM là biện pháp điều trị cuối cùng để  chấm dứt đau đớn cho bệnh nhân do hoại tử chi.
Phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp sau đây: tránh ở nơi lạnh, ẩm trong thời gian dài. Bỏ hút thuốc lào, thuốc lá. Tránh các căng thẳng về tâm sinh lý. Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất và vitamin. Năng vận động để cho khí huyết lưu thông như tập thể dục, đi bộ, chơi các môn thể thao vừa sức.
Theo ThS. Trần Quốc An
SK&ĐS

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)