Hội nhậpGiáo dục phát triển

GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS cho HS trung học: Xóa bỏ thành kiến trong việc giảng dạy SKSS trên lớp

Tạp Chí Giáo Dục

HS-SV tham gia các chương trình giáo dục SKSS. Ảnh: Xuân Nam

Dự án GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS cho HS trung học được triển khai tại 24 trường THPT và 4 trường CĐ, ĐH của 3 tỉnh là Quảng Ninh, Quảng Trị và Tp. HCM. Dự án tiến hành từ 10/2008-9/2009 với mục tiêu nâng cao nhận thức, giảm hành vi nguy cơ liên quan đến SKSS và lây nhiễm HIV cho HS trung học thông qua việc nâng cao chất lượng GD về SKSS và phòng chống HIV/AIDS.

Nội dung GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS lồng ghép trong các môn học

Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên VN cho thấy, 7,6% vị thành niên và thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi này rất cao chiếm 20% trong tổng số khoảng 1,2 triệu ca nạo phá thai ở VN. Tình hình sử dụng ma tuý trong vị thành niên và thanh niên cũng đáng lo ngại. Tại TP.HCM, 1,4 % học sinh THPT nam tham gia nghiên cứu này đã từng sử dụng ma tuý. Với xu hướng tấn công của dịch HIV và thực trạng hành vi SKSS như hiện nay thì nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở vị thành niên và thanh niên đáng báo động, cần có những can thiệp dự phòng sớm, phù hợp và hiệu quả đặc biệt là chương trình GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS trong trường học.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác truyền thông GD SKSS, phòng chống HIV/AIDS cho thế hệ trẻ, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS trong trường học. Nội dung giảng dạy được thực hiện thông qua giờ học nội khoá, các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khoá cho HS phổ thông và các chương trình đào tạo SV các trường sư phạm. Cụ thể là với chương trình giảng dạy nội khoá về SKSS và phòng chống HIV/AIDS được tích hợp vào nội dung các môn học có liên quan như Sinh học, GD công dân, Địa lý, Ngữ văn… nhằm cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về SKSS và HIV/AIDS. Các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp góp phần hỗ trợ và củng cố các kiến thức đã học được trong chương trình nội khoá. Với SV các trường sư phạm, chương trình GD dân số, môi trường, ma tuý và HIV/AIDS có tác dụng trang bị các kiến thức và kỹ năng về GD SKSS, phòng chống HIV/AIDS cho các GV tương lai, giúp họ thực hiện tốt các bài giảng về nội dung này trong trường phổ thông.

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế đã, đang hỗ trợ Bộ triển khai một số chương trình thí điểm về GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS trong trường phổ thông và các trường sư phạm…

GV chưa được trang bị đủ kiến thức, HS tiếp cận quá nhiều nguồn thông tin.

Mặc dù nội dung về GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS được đưa vào chương trình giảng dạy từ lâu nhưng do chưa có kế hoạch toàn diện, dài hạn cũng như chưa có những quy định cụ thể về thời gian bắt buộc tối thiểu dành cho nội dung về GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS trong chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp… nên nội dung còn dàn trải do lồng ghép trong nhiều môn học, nặng về kiến thức, chưa gắn với việc rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Bên cạnh đó sự tham gia của cha mẹ HS, các tổ chức xã hội trong việc củng cố kiến thức, kỹ năng về SKSS và phòng chống HIV/AIDS mà HS học được ở trường chưa rõ nét. Các hoạt động tại cộng đồng và gia đình như tư vấn, dịch vụ chăm sóc SKSS, chương trình vui chơi giải trí còn hạn chế trong khi các em thường xuyên tiếp xúc với nguồn thông tin liên quan đến vần đề trên đã gây ra những hiểu biết sai lệch và dễ chủ quan. Một khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức cũng như kỹ năng về SKSS, phòng chống HIV/AIDS chính là tâm lý không coi trọng nội dung GD của các em như những môn chính khoá.

Bộ GD-ĐT vừa có Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong ngành GD.Theo đó các cơ sở GD-ĐT, ĐH, HV, trường ĐH, CĐ, TCCN… thường xuyên củng cố hệ thống tổ chức chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS ở các cấp quản lý GD và cơ sở GD; Tăng cường tuyên truyền chủ trương Đảng, Nhà nước, của ngành về phòng chống HIV/AIDS để nâng cao nhận thức…; Không phân biệt đối xử với người có HIV; Biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống HIV/AIDS…

Với GV, việc thiếu tài liệu hướng dẫn, thiết bị GD thiếu và chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính làm cho bản thân các GV không được trang bị đầy đủ kiến thức về SKSS cũng như phòng chống HIV/AIDS ngay tại các trường ĐH, CĐ. Đa phần các GV không được tập huấn thường xuyên nên họ cảm thấy e ngại khi giảng dạy nội dung trên. Thầy Trần Kim Việt (CĐ Sư phạm Quảng Trị) cho biết: Do chưa có quy chế bắt buộc về thời lượng nên GV chỉ cho nội dung dạy SKSS vào giáo án trong cuộc thi GV dạy giỏi. Rất ít GV chủ động đưa nội dung trên vào trong bài giảng trên lớp. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy học, do thiết bị GD chưa đồng bộ nên đa số GV sử dụng phương pháp truyền thống để giảng dạy nên việc truyền đạt kiến thức cho HS còn nhiều hạn chế.Ví như dạy cho HS về cơ quan sinh dục của nam và nữ, do không có thiết bị dạy học nên thầy cô lúng túng không biết diễn tả thế nào, mà vẽ lên bảng lại càng không thể vì không phải GV nào cũng biết vẽ, cô Phương Diễm Hương (ĐH Sư phạm Tp. HCM) chia sẻ.

Không nhồi nhét kiến thức, không gây quá tải cho HS

Mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng chương trình GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS phù hợp với kỹ năng và nhu cầu của HS trung học; Tăng cường khả năng thực hiện hiệu quả nội dung GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS cho GV tại các trường trung học và SV các trường CĐ, ĐH sư phạm; Nâng cao khả năng quản lý và điều phối của cán bộ quản lý GD từ TW đến địa phương để thực hiện dự án. Do vậy, các đơn vị thực hiện dự án phải xây dựng kế hoạch phù hợp với từng đối tượng. Cũng theo cô Phương Diễm Hương, trường ĐH Sư phạm Tp. HCM có nhiều cấp học với 20.000 SV theo học, trong đó chỉ có 3.000 SV ở trong ký túc xá. Bên cạnh đó đa phần SV đến từ nông thôn, trình độ hiểu biết về SKSS cũng như HIV/AIDS còn nhiều hạn chế nên nội dung giảng dạy cũng cần sự linh hoạt.

Theo ông Lã Quý Đôn, Vụ phó Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT), chủ trương là dạy những gì SV cần nên mục tiêu lâu dài là đưa nội dung GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS thành môn học tự chọn. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu tài liệu, kinh nghiệm giảng dạy nên mới chỉ coi GD SKSS và phòng chống HIV/AIDS là một học phần của một môn. Khi dự án kết thúc, sẽ có bài học kinh nghiệm được rút ra, tài liệu về GD SKSS, phòng chống HIV/AIDS được củng cố thì chắc chắn việc đưa nội dung trên thành một môn học sẽ dễ dàng hơn.

Minh Ngọc (GDTĐ)

Bình luận (0)