Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Người dân chưa có thói quen thăm khám định kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

Các chuyên gia dự phòng cảnh báo, người dân cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần.

Được hỗ trợ từ chuyên gia của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC),Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự án thí điểm chăm sóc sức khỏe dự phòng dành cho cộng đồng được triển khai trong giới CNVC và giáo viên tại Quận 7 và huyện Nhà Bè, TP.HCM; kéo dài từ ngày 15/9 đến 4/12, nhằm thử nghiệm khả năng cung cấp dịch vụ tiện lợi tận nơi, kiểm chứng khả năng đáp ứng của cộng đồng, gia tăng mức độ nhận biết và ý thức về chăm sóc sức khỏe.
Trong 2,5 tháng thực hiện thí điểm dự án, tổng số người làm xét nghiệm là 6.930. Hầu hết các kết quả bất thường tập trung vào chỉ số đường huyết và lipid; một số liên quan đến khối u, với tỷ lệ 36% (bao gồm: 25% chỉ số lipid cao, 7% chỉ số đường huyết cao và khoảng gần 4% có dấu hiệu viêm gan). Tuy nhiên, trước đó, nhiều người hoàn toàn không nhận thức được sự bất thường ấy. Nếu những người này được cung cấp kiến thức đầy đủ, họ có thể điều chỉnh chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và hoàn toàn có thể ngăn ngừa được các căn bệnh diễn biến xấu hơn.
Dự án đã thiết kế các xét nghiệm thường sử dụng thành các "gói xét nghiệm" tập trung vào một số mục tiêu chính như: kiểm tra sức khỏe tổng quát, tầm soát tiểu đường, tầm soát ung thư, kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, tầm soát viêm gan siêu vi, tầm soát các bệnh xã hội và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
Khảo sát năm 2011 cho thấy tuổi thọ của người Việt Nam đã được nâng cao lên 72 tuổi (nam: khoảng 70 tuổi, nữ: 75). Trong khi đó, các bệnh mạn tính như viêm gan do siêu vi B và C đang trở thành vấn đề cộng đồng. Theo GS. TS. Phạm Hoàng Phiệt – Chủ tịch Hiệp hội Gan Mật TP.HCM, hiện có khoảng 10 – 20% dân số nhiễm siêu vi B và 5 – 6% dân số nhiễm siêu vi C.
Các chuyên gia dự phòng cảnh báo, người dân cần phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần (sàng lọc nhũ ảnh và khám vú lâm sàng, sàng lọc rối loạn lipid máu, sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phết tế bào âm đạo…); nâng cao sức khỏe bằng lối sống lành mạnh (không uống rượu, không hút thuốc lá hay sử dụng ma túy, kiểm soát cân nặng…). Đồng thời, người dân phải đi khám ngay khi có khối u hoặc vết loét không khỏi, mất cân không rõ lý do, sốt kéo dài, ho kéo dài, đau kéo dài.
Theo An Hương
(PNO)

Bình luận (0)