Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng bệnh cúm trong công sở và khu công nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi trong 1 tuần nếu không có biến chứng, song lại là bệnh gây nên những tổn thất lớn về kinh tế và sức khoẻ tại những nơi có nhiều người trong độ tuổi lao động. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trịnh Đình Tường- chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khoẻ cộng đồng xung quanh vấn đề phòng bệnh cúm trong các công sở và khu công nghiệp.
Cúm mùa là bệnh lây qua đường hô hấp vì vậy khả năng lây lan rất cao Ảnh: QUỐC ANH
PV:Ông có thể cho biết tác hại của bệnh cúm mùa?
TS Trịnh Đình Tường: Cúm mùa là bệnh nhiễm virut cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hoá (buồn nôn, nôn, tiêu chảy). Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và tự khỏi trong 1 tuần nếu không có biến chứng. Tuy nhiên cúm mùa luôn để lại những hậu quả lớn về sức khoẻ và kinh tế. Trước hết, cúm thường gây các biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, các bệnh lý tim mạch, các cơn hen kịch phát phải điều trị dài ngày, tốn kém hoặc dẫn tới tử vong. Ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, tiểu đường, tỷ lệ biến chứng do cúm mùa càng cao. Hàng năm trên thế giới có khoảng 3-5 triệu trường hợp bị biến chứng nặng và gần nửa triệu người chết vì các biến chứng của bệnh cúm mùa, đặc biệt ở trẻ em. Thứ hai, cúm mùa là bệnh lây qua đường hô hấp vì vậy khả năng lây lan rất cao, đặc biệt ở những nơi đông người. Không những vậy cúm còn có khả năng lây lan 1-2 ngày trước khi phát bệnh và kéo dài tới 5 ngày sau khi bệnh khởi phát nên không biết trước để cách ly. Mỗi năm, khoảng 5-10% dân số thế giới bị nhiễm trùng đường hô hấp trên bởi cúm. Thứ ba, tổn thất về ngày lao động và kinh phí điều trị do mắc cúm là rất lớn vì số người mắc quá cao trong một vụ dịch cúm. Nếu không có biến chứng, một bệnh nhân cúm cần ít nhất mất 3-4 ngày nằm điều trị và sau đó cần khoảng 2 tuần để hồi phục sức khoẻ.
Ảnh hưởng của bệnh cúm trong công sở và tại các khu công nghiệp, thưa ông?
– Cúm có khả năng lây lan rất cao, nhất là trong môi trường đông người, việc tiếp xúc thường diễn ra trong không gian hẹp nên các công sở, khu công nghiệp, bệnh viện, nhà ga, bến xe, trường học, doanh trại.. là môi trường để bệnh cúm lây lan thuận lợi. Các theo dõi cho thấy, khả năng lây lan ở những nơi này cao gấp 2 lần so với mức độ lây lan trong cộng đồng. Các công sở, khu công nghiệp sẽ là những địa chỉ chịu nhiều tổn thất khi dịch cúm gây ra. Nếu để xảy ra dịch, số người mắc sẽ rất cao, nên chi phí y tế sẽ lớn. Do khả năng bệnh cúm lây lan mạnh tại các công sở, xí nghiệp, nên số ngày nghỉ việc tại các nơi này sẽ cao. Hầu hết bệnh nhân sau khi trở lại làm việc đều mất 1-2 tuần mới bắt nhịp được công việc, ảnh hưởng lớn tới khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt nó làm ảnh hưởng tới các quan hệ giao tiếp công việc.
Vậy theo ông, cách phòng bệnh cúm hiệu quả trong công sở, trong các khu công nghiệp là gì?
– Để phòng tránh cúm ở nơi công sở, xí nghiệp cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh và hiểu biết về bệnh cúm cho mọi thành viên của đơn vị. Mọi người góp phần vào việc phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên để cách ly. Tất cả những người mắc cúm cần phải tự giác khai báo và nghỉ việc để tránh lây lan. Việc thăm hỏi nhau cũng nên hạn chế hoặc phải tuân thủ các quy định bảo hộ như dùng khẩu trang khi tiếp xúc. Tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân, làm thoáng nơi làm việc, hạn chế các cuộc tụ họp đông người khi dịch đang bùng phát…Tuy nhiên biện pháp hữu hiệu và chủ động nhất vẫn là tiêm văc xin phòng cúm. Văcxin phòng cúm hiện nay có hiệu quả bảo vệ cao và an toàn. Vắc xin thường bao gồm chủng cúm A H1N1, H3N2 và một chủng cúm typ B. Việc tiêm văcxin sẽ giúp bảo vệ khoảng 90% người được tiêm. Nếu người đã tiêm mắc cúm thậm chí bị nhiễm các chủng cúm gia cầm độc lực cao cũng sẽ bị nhẹ hơn. Hàng năm trước mùa cúm, việc tổ chức tiêm văcxin cho tập thể những người lao động tại công sở, xí nghiệp chẳng những mang lại sự đảm bảo về sức khoẻ cho người lao động mà còn mang lại những lợi ích lớn về kinh tế và hiệu quả sản xuất.
Xin cảm ơn ông!

Theo daidoanket

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)