Sự quan tâm, những lời hứa mật ngọt “sẽ nhận em vào khi Đài có đợt tuyển MC mới” đã đánh đổ cô gái trẻ như Hằng. Cô lao vào yêu như con thiêu thân người đàn ông gấp đôi tuổi mình, bỏ bê học hành…
Không ít cô gái có chút tài sắc ôm mộng được trở thành “em – xi” (MC). Nổi tiếng đâu chẳng thấy, chỉ thấy đa số họ đã mất cả chì lẫn chài vì bị những kẻ xấu lợi dụng.
Nuôi mộng…
M.Hằng đang học lớp 12. Cô bé xinh xắn và rất tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể trong trường học. Có lẽ vì vậy mà em thường được giao trọng trách MC trong những lễ hội của nhà trường. Vài lần dẫn chương trình, được bạn bè và thầy cô cổ vũ, cô nàng trở nên ảo tưởng về bản thân và nghĩ rằng khả năng của mình nếu chỉ bó buộc trong những lễ hội cấp trường thì thật… phí. Cô bé luôn ước ao mình có thể được dẫn chương trình truyền hình, được sánh vai cùng những MC kì cựu, những con người luôn được coi là thần tượng trong mắt giới trẻ.
Để hiện thực hóa ước mơ làm MC truyền hình, Hằng đăng kí tham gia ngay một lớp đào tạo MC của nhà văn hóa quận. Tại đây, cô gái được học những kĩ năng cơ bản trong giao tiếp cũng như cách ứng biến trong các tình huống trên sân khấu. Được giáo viên trong lớp (vốn chỉ là các giảng viên ngôn ngữ bình thường, không ai trong số họ từng làm MC trong một chương trình nào) khen sáng dạ, cô gái trẻ lại càng ảo tưởng về tài năng của bản thân.
Hàng ngày, thay vì chú tâm vào việc học như trước, Hằng lại chăm chú đọc các báo, các chương trình truyền hình để xem nơi nào có tuyển MC thì… nhào vô làm hồ sơ đăng kí thi tuyển.
Hằng chăm chỉ đi thi tuyển MC đến mức ban giám khảo trong các cuộc thi đó nhẵn mặt cô gái. Thế nhưng, trải qua rất nhiều cuộc thi mà Hằng chưa bao giờ lọt được vào vòng ghi hình thử chứ chưa nói đến việc được nhận chính thức. Có vị ban giám khảo mấy lần đi chấm thi tuyển MC đều gặp Hằng thì thương tình nói thẳng với cô gái: “Khẩu hình của em không chuẩn lại thêm phát âm chưa được tròn vành rõ chữ, nếu thực sự đam mê với nghề MC thì em nên luyện tập thêm chứ với khả năng hiện giờ của em thì khó có Đài truyền hình nào dám nhận”.
Đó là những lời nhận xét rất chân thành của người đi trước nhưng Hằng lại bỏ ngoài tai, cô bé cho rằng có lẽ những người trúng tuyển chẳng qua chỉ là do có “chân trong” chứ tài cán thì cũng chẳng hơn gì mình, rằng vị giám khảo kia chẳng qua nói thế là để “đỡ áy náy” khi đã loại đi một nhân tố tích cực và xứng đáng.
Để hiện thực hóa giấc mộng MC, thay vì cố gắng học tập thật tốt và luyện tập thêm về thanh sắc, Hằng lại nghĩ bằng mọi giá phải làm quen được với một nhân vật trong Đài Truyền hình để từ đó có thể nhờ vả những lúc cần thiết.
Giống như Hằng, K.Chi – một sinh viên ngành thương mại cũng ôm giấc mộng được trở thành người dẫn chương trình nổi tiếng. Bạn bè ở lớp của Chi đã quá quen với điệp khúc chê bai của cô dành cho các MC nổi tiếng của Đài Truyền hình: “Hôm qua xem chương trình giao lưu âm nhạc trực tiếp, thật tớ thấy anh A dẫn nhạt như nước ốc” hay “bà T nói năng chả ra thể thống gì thế mà vẫn được dẫn toàn chương trình lớn…”.
Công bằng mà nói, Chi không đến nỗi tệ. Cô có hình thức ưa nhìn, giọng nói cũng khá truyền cảm và phong thái tự tin trước đám đông. Nhờ thanh, sắc đó mà Chi cũng được mời tham gia dẫn một số chương trình, lễ hội nhỏ trong khoa. Nhưng có lẽ, cô làm MC ở một số chương trình mang tính chất “cục bộ địa phương” thì được chứ dẫn những chương trình lớn của các Đài truyền hình thì quả là… bất ổn, vì theo nhận xét của bạn bè, Chi ăn nói lưu loát nhưng cách nói cứng nhắc và hay “lên gân” không cần thiết. Ấy nhưng, cô gái này thì chỉ thấy mình là hoàn hảo, là “người tài” mà các Đài Truyền hình “mờ mắt” không nhận thấy.
“Người không tìm tới ta thì ta sẽ tìm tới người”, với phương châm đó, cô nàng Chi lên kế hoạch “tấn công” Đài truyền hình bằng cách nhờ vả người thân xin cho mình một chân cộng tác viên ở đó. Trong lúc chờ đợi, để tăng thêm kinh nghiệm, cô nhận lời làm MC cho một quán bar quen biết.
Và vỡ mộng…
Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng Hằng cũng quen được một người xưng danh là đạo diễn chương trình của Đài Truyền hình H. Nghe nói việc tuyển người dẫn chương trình đều do anh chàng này quyết định nên Hằng cảm thấy cơ hội ngàn vàng của mình đã đến. Cô hào hứng với những buổi đi chơi với anh ta, thấy vui mừng khi được anh ta gọi đến nhà riêng để “luyện tập khả năng dẫn chương trình”. Dần dần, sự quan tâm, những lời hứa mật ngọt “sẽ nhận em vào khi Đài có đợt tuyển MC mới” đã đánh đổ cô gái trẻ. Cô lao vào yêu như con thiêu thân người đàn ông gấp đôi tuổi mình, bỏ bê cả việc học hành vốn trước đây luôn được đặt lên tầm quan trọng số một.
Có lẽ Hằng sẽ còn nhiều ảo tưởng nữa nếu không vô tình phát hiện anh người yêu “đạo diễn chương trình” của mình thực ra chỉ là một tay chuyên bưng bê, coi sóc đạo cụ trong Đài Truyền hình. Hơn thế nữa, anh ta đã có vợ con đuề huề ở quê và là một gã luôn lấy miếng mồi “MC truyền hình” ra để phỉnh phờ rất nhiều các cô gái nhẹ dạ cả tin. Và Hằng không phải là “nạn nhân” duy nhất.
Chi cũng được một phen khiếp vía khi đi làm MC cho quán bar buổi tối. Ở đó, những lời cô nói đều không ai thèm nghe, học chỉ coi cô như một con búp bê để ngắm nhìn mỗi khi các ca sĩ hạng sao chạy sô chưa tới kịp. Những lời chọc ghẹo, lời đề nghị “đi khách” lỗ mãng đủ để làm Chi thấy tủi nhục nhưng một sự kiện xảy ra khiến cô “tỉnh” hẳn giấc mộng MC.
Một nữ ca sĩ rất nổi tiếng đêm đó theo lịch sẽ diễn tại quán bar nơi Chi làm thêm nhưng do chạy sô quá nhiều, cô ta không đến đúng giờ. Khán giả la ó, chửi bới quán bar lừa đảo khiến Chi phải đứng ra xin lỗi khách và nói mấy câu trấn an, hứa hẹn nhạt nhẽo thông thường. Có chút rượu vào, nhiều khách phản ứng càng mạnh hơn, đập cả ly đĩa khiến không khí náo loạn. Chi càng nói càng bị la ó nhiều hơn. Có người hét rất to: “Xuống đi, MC gì mà nói thì khó nghe, người ngợm thì có ra hồn. Chưa bằng mấy đứa MC đám cưới”. Trong mớ âm thanh hỗn độn và những lời nói quát nạt, chửi bới đan xen, cô gái trẻ chợt nhận ra rằng, giấc mộng MC truyền hình đối với cô thật xa vời.
Theo D.Sa
Phụ Nữ Net
Phụ Nữ Net
Bình luận (0)