Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những tai nạn thường gặp ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại đồ chơi nguy hiểm cho trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: LƯƠNG TUẤN

Đó là những tai nạn xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được xử lí đúng cách và cấp cứu kịp thời. Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhi bị tai nạn trong sinh hoạt…
Nuốt dị vật
Phần lớn các ca cấp cứu do nuốt phải dị vật ở trẻ em thường là nuốt phải hạt đậu phụng (hạt lạc), hạt trái cây (chủ yếu là hạt saboche, hạt nhãn tiêu, hạt dưa), đôi khi là viên thuốc. Hoặc cũng có một số trường hợp bị sặc bột, cháo, sữa, chủ yếu là đối với trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi).
Nguyên nhân là do sự bất cẩn của người lớn. Không ít bà mẹ cho con ăn saboche nhưng lấy không hết hạt. Thậm chí có bà mẹ khi cho con ăn nhãn đáng lý phải bóc hết vỏ và bỏ hạt rồi mới cho trẻ ăn thì chỉ bóc nửa trái nhãn rồi nặn vào miệng con. Do nặn mạnh nên trái nhãn chui tọt vào họng trẻ. Trong dịp tết, số trẻ nhập viện cấp cứu do nuốt phải hạt dưa tăng cao. Vì thấy người lớn cắn hạt dưa nên trẻ cũng bắt chước lấy hạt dưa đưa vào miệng nuốt nhưng không trôi vào bụng mà mắc ở cổ…
Khi nuốt phải dị vật, trẻ có triệu chứng như sặc sụa không nói được, không thở được, trợn mắt lên, hoảng loạn, giãy giụa, mặt tái nhợt rồi tím bầm lại. Đó là lúc dị vật đã xuống sâu dưới họng và lọt vào đường thở.
Bên cạnh đó nhiều trẻ còn nuốt phải đồng xu, viên bi, nắp chai, kim găm, kim băng, kẹp tóc…
Gặp phải tình huống này phụ huynh tuyệt đối không được cho tay vào miệng trẻ để móc dị vật ra mà phải vỗ lưng, ấn ngực đứa trẻ để dị vật được tống ra ngoài. Và phải chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được xử lý tiếp.
Để phòng ngừa, trong quá trình cho trẻ ăn uống phải chăm sóc cẩn thận, không la hét, ép quá mức khi trẻ không muốn ăn, uống, nhất là khi uống thuốc. Đồ chơi của trẻ phải có kích thước lớn, khi trẻ chơi người lớn phải luôn kiểm soát.
Điện giật và ngạt nước
Trẻ bị điện giật có đến 90% là do sự bất cẩn trong sử dụng điện của người lớn. Hậu quả của điện giật rất nghiêm trọng như gây phỏng, hủy hoại mô cơ quan và gây tử vong ngay do biến chứng tim (20% trẻ bị điện giật tử vong).
Khi phát hiện trẻ bị điện giật thì phải cúp điện càng nhanh càng tốt. Nếu không thể cúp điện thì phải tách dây điện ra khỏi người nạn nhân, tuyệt đối không dùng tay trần để tách. Sau đó nhanh chóng kiểm tra nhịp thở và nhịp tim của nạn nhân bằng cách hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Nếu nghi ngờ nạn nhân gãy cột sống cổ và xương thì phải cố định cổ và chi. Tiếp theo là chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Đề phòng điện giật cần để ổ điện xa tầm tay trẻ, bịt kín các ổ điện khi không còn sử dụng; lắp ổ điện, các dụng cụ điện đúng quy cách. Với trẻ lớn nên giáo dục để các em biết nguy hiểm khi tiếp xúc với điện…
Ngạt nước là tai nạn sinh hoạt do té ngã xuống sông, ao hồ và các vật chứa nước trong nhà như lu, chậu. Tai nạn thường xảy ra nhiều hơn vào mùa hè. Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước cần hồi sức tim phổi bằng cách ấn tim, thổi ngạt cho nạn nhân trong khoảng thời gian từ 1 -2 tiếng. Không nên mất thời gian xốc nước vì chỉ có khoảng 10% nạn nhân có nước trong phổi, không cần hơ lửa làm ấm thân nạn nhân. Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Đề phòng: các vật chứa nước trong nhà nên có nắp đậy; hồ, ao quanh nhà phải được rào chắn cẩn thận. Đối với trẻ lớn nên cho đi học bơi, hướng dẫn cách sơ cứu khi ngạt nước…
Chấn thương đầu và phỏng
Chấn thương đầu là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân là do té cầu thang, lan can, tủ đè, té võng…
Vì trẻ còn nhỏ nên khi có một lực đè lên đầu, thậm chí chỉ cần ẵm bé và tung lên cao cũng có thể dẫn đến chấn thương đầu. Do đó mọi trường hợp chấn thương đầu đều nên khám tại cơ sở y tế, kể cả không có vết thương cũng phải đưa tới bệnh viện.
Khi phát hiện trẻ có một trong các dấu hiệu như nôn mửa, nhức đầu, co giật tay chân, sưng nơi da đầu, chảy máu mũi, chảy nước từ lỗ tai, lỗ mũi, lúc tỉnh lúc mê, ngủ gọi không thức thì ngay lập tức phải đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Nếu trẻ bị chấn thương cổ phải nẹp cột sống cổ trước khi chuyển tới bệnh viện.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng II, trong số 202 ca chấn thương sọ não ở trẻ em/năm có 115 ca do tai nạn sinh hoạt, chỉ có 62 ca do tai nạn giao thông.
Đối với trẻ mới bắt đầu biết đi, biết chạy phải có người lớn bên cạnh; cầu thang, lan can phải có vật chắn…
Phỏng cũng là một tai nạn thường gặp ở trẻ, nhiều nhất là phỏng nước nóng. Khi phát hiện phải đưa trẻ xa ra tác nhân gây phỏng càng nhanh càng tốt. Sau đó cởi áo, quần chỗ bị phỏng, không nên cố gắng gỡ quần áo dính sát trên vết phỏng như vậy sẽ dễ nhiễm trùng. Rửa nước lạnh lên vết bỏng, đắp khăn sạch. Tuyệt đối không bôi kem đánh răng, dấm, dầu hôi, nước tiểu, thuốc mỡ… lên chỗ phỏng.
Bác sĩ Phạm Mai Đằng
(BV Nhi đồng II)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)