Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tắm thuốc phòng bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong y học cổ truyền (YHCT) phương Ðông, tắm thuốc, còn là dược dục liệu pháp, là phương pháp cho thêm vào nước thường hoặc trực tiếp sử dụng dịch thuốc YHCT làm nước để tắm rửa toàn thân hay cục bộ nhằm phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Ðây là một trong những phương pháp chữa ngoài của YHCT (ngoại trị) được tiến hành dưới sự chỉ đạo của lý luận Ðông y, kết hợp tác dụng của hai liệu pháp: thủy trị liệu và dược vật trị liệu.

 Bạch đàn hương được sử dụng trong phương thuốc tắm.

Tùy theo từng mùa, tắm thuốc được thực hiện theo những phương thức và đặc điểm khác nhau nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật và làm đẹp làn da. Theo phép dưỡng sinh của YHCT phương Đông, mùa xuân thuộc dương. Vậy nên, mùa xuân phải dưỡng dương, nghĩa là phải làm cho khí dương trong cơ thể luôn được nuôi dưỡng đầy đủ và khoáng đạt. Trong khung cảnh đất trời dâng đầy sức sống, vạn vật tràn lan tốt tươi, con người nên giữ cho tinh thần luôn thư thái, lạc quan, hết sức tránh buồn phiền, giận dữ; thể xác luôn thư giãn gân cốt, khai mở huyệt đạo, giãn nở lỗ chân lông, xoã tóc, nới đai, mặc đồ thoáng rộng, không nên đội mũ quá chật, không nên buộc tóc quá chặt, thường đi bách bộ ngoài sân để cho khí dương được tự do mà vươn trải, đặc biệt chú ý giữ thoáng vùng đầu vì đây là nơi dương khí hội tụ. Trong phương pháp tắm thuốc ngày xuân, cổ nhân cũng hết sức coi trọng vấn đề này với việc trọng dụng các phương thang dược dục có công dục phương hương hóa trọc, khai thông dương khí.

Chẳng hạn ngày Tết thì tắm bằng nước sắc của năm dược liệu có hương thơm là lan hương, kinh giới, linh lăng hương, bạch đàn hương và mộc hương. Sau khi tắm bằng loại nước này, toàn thân tỏa mùi thơm phức, tinh thần trở nên phấn chấn, cơ thể có khả năng phòng ngừa tích cực các bệnh lý ngoại cảm trong mùa xuân. Sang tháng 2, cổ nhân khuyên nên lấy cây câu kỷ nấu lấy nước tắm ngâm có công dụng làm cho da dẻ sáng bóng, sắc mặt sáng tươi mà trẻ mãi. Sách Vân cập thất tiên (đời Tống) có viết: Buổi sớm ngày Lập xuân sắc 3 vị là bạch chỉ, đào bì và thanh mộc hương lấy nước mà tắm thì cơ thể hết sức khỏe mạnh. Y thư Tập toa thuốc dân gian Quý Châu cũng có ghi về việc lấy cành đào đun nước tắm ngâm có thể trị chứng phong thấp, bôi ngoài da có thể chữa được mụn nhọt.

 Tắm thuốc giúp phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe.
Tắm thuốc ngày xuân tùy theo phần thân thể ngâm trong dịch thuốc nhiều hay ít người ta thường chia ra làm 3 loại: toàn thân dược dục, bán thân dược dục và cục bộ dược dục. Toàn thân dược dục là cách ngâm toàn bộ cơ thể trong dịch thuốc chứa trong bồn có dung tích 250 – 300 lít từ 20 – 30 phút, mỗi ngày 1 lần. Bán thân dược dục là cách ngâm nửa dưới cơ thể trong dịch thuốc, bệnh nhân ngồi nước ngập đến rốn. Mỗi lần ngâm trong 20 – 30 phút, mỗi ngày 1 lần. Cục bộ dược dục là cách ngâm chi thể hoặc một bộ phận của cơ thể trong dịch thuốc hoặc tiếp xúc với dịch thuốc nhiều lần. Ngoài ra, tùy theo cách thức và bộ phận ngâm khác nhau mà phân thành nhiều loại như ngâm tay, ngâm chân, ngâm tứ chi, ngâm đầu, rửa mắt, rửa mặt… Ví dụ, ngâm chân (túc dục) là loại hình rất thông dụng, được chia làm hai hình thức: ngâm chân thấp và ngâm chân cao. Ngâm chân thấp là khi dịch thuốc chỉ ngập đến mắt cá. Ngâm chân cao là khi dịch thuốc ngập đến tận đầu gối.
Theo  ThS.Hoàng Khánh Toàn
(suckhoedoisong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)