Cô giáo Võ Đặng Uyên Thu đang trao đổi cùng các em học sinh
|
Suốt nhiều năm qua, Khánh Sơn (Cam Ranh – Khánh Hòa) đã đón và tiễn chân biết bao người “gieo chữ”. Rồi có không ít thầy cô vì nặng nợ với nơi này mà tình nguyện bám núi, bám rừng với mong muốn làm sao để trẻ em ở đây nhận biết được mặt chữ.
Trong một lần ra Khánh Hòa, tôi được người bạn rủ vượt đèo Khánh Sơn lên trung tâm huyện lỵ Khánh Sơn (Cam Ranh – Khánh Hòa) chơi. Sẵn máu ngao du trong người, tôi theo chân anh bạn vượt đèo.
Vượt đèo đến với trò
Khánh Sơn là huyện miền núi vùng cao ngăn cách với đồng bằng bởi con đèo cùng tên cao vời vợi. Để đến được với thị trấn Tô Hạp – trung tâm huyện lỵ không có con đường nào khác là phải men theo tỉnh lộ 9, vượt qua con đèo với nhiều khúc cua nguy hiểm. Đây được xem là huyện nghèo nhất của tỉnh Khánh Hòa, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Raglai (chiếm 75% dân số). Cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn do còn hạn chế nhiều mặt. Thế nhưng, nơi đây vẫn in đậm dấu chân của những người thầy không ngại gian khổ, ngày ngày tận tụy dạy chữ với mong muốn trẻ em Khánh Sơn mai sau sẽ có tương lai tươi sáng hơn.
Đến thăm Khánh Sơn, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng cô Trần Thị Ngọc Duyên – Phó phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn. Không ít câu chuyện về sự nhọc nhằn và tinh thần vượt khó đáng nể của những thầy cô giáo cắm bản nơi vùng sâu, vùng xa này lần lượt được kể lại. Cô Duyên cho biết: “Đến nay, toàn huyện đã có 8 trường mầm non, 8 trường tiểu học và 2 trường THCS, nhưng mạng lưới trường lớp ở các xã còn phân tán với quá nhiều điểm lẻ đã tạo ra không ít khó khăn trong việc chỉ đạo hoạt động chuyên môn”. Có những điểm trường nằm lọt thỏm giữa bản làng, cách trung tâm thị trấn Tô Hạp từ 2-11km, đường đi hiểm trở phải vượt qua núi với những con dốc rất nguy hiểm. Đêm xuống chỉ thấy sao trời và ánh đèn điện le lói từ các bản làng xa xôi. Vậy mà, suốt nhiều năm qua, rất nhiều thầy cô dưới xuôi tình nguyện lên đây cùng ăn, cùng ở với học trò và người dân vùng núi. Thầy Đỗ Thanh Ngọc – Hiệu trưởng Trường THCS Ba Cụm Bắc tâm sự: “Trước đây, việc vận động các gia đình cho con em đi học rất khó khăn vì cách nhìn nhận của người dân về việc học có phần sai lệch. Nhưng đến nay, việc đó đã được nhà trường thực hiện tốt với lòng nhiệt huyết không ngại gian khó của các giáo viên như thầy Bùi Quốc Cường, Cao Văn Mai, cô Huỳnh Thị Tuyết Hà… Có những trường hợp do hoàn cảnh gia đình, các em không được đến lớp, các thầy cô giáo phải tìm đến tận nhà hoặc tham gia vào các buổi sinh hoạt của bản để động viên, phân tích cho phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc đi học nhằm kêu gọi họ tạo điều kiện cho các em đến trường”.
Có thể nói, thầy Đỗ Thanh Ngọc là một trong những điển hình hết lòng vì học sinh nơi vùng núi sâu hiểm trở này. Nhà ở Cam Ranh nhưng khi biết trẻ con trên đây “khát” chữ, thầy tình nguyện lên với các em. Vậy mà thấm thoát nay đã 5 năm rồi. Vốn là người Kinh nên những ngày đầu “cắm bản”, thầy Ngọc gặp không ít rào cản do chưa hiểu tiếng nói cũng như phong tục tập quán của người dân nơi đây. Nhưng với nhiệt huyết và lòng yêu nghề, thương trẻ, thầy đã ngày đêm học tiếng Raglai, đồng thời nghiên cứu cả về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc anh em này. Kết quả thật đáng tự hào khi giờ đây, thầy có thể nói thành thạo thứ tiếng mà trước kia chưa bao giờ thầy dám nghĩ mình sẽ sử dụng được.
Dù đang là kỳ nghỉ hè nhưng chúng tôi thật may mắn khi được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều giáo viên của huyện. Được biết, số giáo viên “bám trường, bám lớp” ở đây thuộc hạng cao nhất nhì trong tỉnh. Nhiều trường có đến 11 giáo viên đăng ký ở nội trú. Đa phần những thầy cô đều rất trẻ, họ đến từ nhiều miền quê khác nhau và có chung niềm yêu nghề cháy bỏng. Cô giáo trẻ Võ Đặng Uyên Thu – trước khi về Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp cũng đã có hai năm tình nguyện “cắm bản” ở điểm làng cách thị trấn 2km đường rừng, chia sẻ: “Lúc đầu ai cũng chán vì thiếu thốn mọi thứ. Nhưng dần rồi cũng quen. Vả lại khi mình đã chấp nhận lên đây thì phải cố gắng hết sức để dạy cho tốt”.
Cho “con chữ” phủ kín núi đồi
Học sinh huyện Khánh Sơn
|
Theo thầy Ngọc, cái khó nhất của việc dạy học ở vùng cao này là giáo viên phải dành nhiều thời gian đến tận nhà vận động các em đi học. Cứ đến vụ mùa, hai ba ngày một lần, sau buổi dạy trên lớp, các thầy cô lại phải băng rừng lội suối đến từng nhà gọi học sinh bỏ học đến trường. Có những hôm, cô giáo phải đến tận các làng cách trường học 6-7km để vận động trò đến lớp. Không chỉ thế, để ổn định sĩ số lớp, các giáo viên ở đây còn phải thay phiên nhau tổ chức lớp học phụ đạo để bổ sung kiến thức cho các em thường xuyên bỏ học hoặc học lực kém, thậm chí còn dành thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em và lo cả chuyện sách vở cho không ít em. Công tác vận động học sinh ra lớp ở đây còn nhiều hạn chế là do trẻ em vùng này còn khá ham chơi. Các em thích thì học, không thích thì bỏ đi chơi, hoặc lên nương, rẫy giúp ba mẹ mấy việc lặt vặt. Và những lúc như thế, các thầy cô lại phải khăn gói đi “dụ” học sinh trở lại trường. Có lẽ nhờ vào sự tích cực vận động của các thầy cô giáo mà trong những năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh nghỉ học của các trường trong huyện đã giảm rõ rệt. Đặc biệt từ năm 2005, Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thông qua việc cử nhiều thầy cô giáo đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, hoặc mở các lớp chuẩn hóa 9+3, 12+2 tại huyện. Bên cạnh đó, phòng cũng đã chú trọng đến việc phát triển số lượng giáo viên người dân tộc thiểu số lên 52 người, chiếm tỷ lệ 16,1%. Dù còn lắm vất vả và phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng hầu hết các giáo viên nơi đây đều vui vẻ “cõng” chữ đến những bản làng xa xôi của huyện Khánh Sơn bằng tình thương yêu, trách nhiệm nghề nghiệp những mong tương lai của học trò mình đổi khác.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)