Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giảng dạy giáo dục công dân: Cần hiểu rõ tầm quan trọng của môn học

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Trần Tuấn Anh (GV Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) với lời giảng nhiệt huyết cùng những hình ảnh minh họa sinh động đã mang lại cho các em HS những giờ học đầy cảm động. Ảnh: Tr.Tr

Giáo dục công dân (GDCD) là môn học có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục nhân cách học sinh (HS). Nhưng nhiều giáo viên (GV) cho rằng rất khó dạy, nhiều HS cũng nói môn học này khô khan, khó “nuốt”.
Những khó khăn chủ quan lẫn khách quan
Thứ nhất, môi trường giáo dục môn GDCD ở nhiều nơi không thuận lợi, biểu hiện ra nhiều hiện trạng như cha mẹ HS không liên lạc thường xuyên với nhà trường, đến khi con em vi phạm đạo đức lại đổ lỗi cho nhà trường, cho GV chủ nhiệm. Thứ hai, sách giáo khoa môn GDCD in không đẹp, không có hình ảnh và màu sắc hấp dẫn để HS hứng thú học tập. Còn nội dung môn học thể hiện ra ở các cấp học đều nặng, phân tán, thiếu tập trung. Những phẩm chất đạo đức cơ bản của nhân cách chưa được xác định, nhiều nội dung mang tính hàn lâm, không sát với thực tế khách quan… Thứ ba, về phương pháp bộ môn thì bị cho là môn phụ nên sử dụng phương pháp đọc – chép theo sách giáo khoa là chủ yếu, dẫn đến HS khó hiểu, nhàm chán. Ngoài ra vẫn còn nhiều GV chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của bộ môn trong đào tạo thế hệ trẻ, cộng thêm đời sống còn nhiều khó khăn nên chưa có nhiều suy nghĩ để sáng tạo ra những biện pháp giảng dạy hiệu quả. Bên cạnh đó có không ít GV chưa được đào tạo bài bản nên gặp khó khăn cả về nội dung lẫn phương pháp, nhất là chưa hiểu hết những kiến thức trừu tượng ở môn triết học, công dân… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những mặt thuận lợi như Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo cho giáo viên dạy môn GDCD không cần dạy hết kiến thức trong sách giáo khoa, thậm chí không theo sách giáo khoa, để phát huy tính sáng tạo của thầy giáo; chọn nội dung theo chương trình, dạy những kiến thức thiết thực đối với từng lớp, sao cho gây được hứng thú học tập ở các em, đạt được tiến bộ về giáo dục nhân cách, tác phong.
Phương pháp và giải pháp tối ưu
Về phương pháp, đó là bỏ cách dạy đọc – chép mà thay vào đó bằng cách hướng dẫn HS học ở tổ, nhóm, viện bảo tàng, ở di tích lịch sử, gương nhiều người tốt việc tốt địa phương…
Mục đích cuối cùng của giáo dục đạo đức là hình thành ở người học thói quen hành vi đạo đức trải qua một quá trình gồm 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn cần một số điều kiện nhất định thì mới chuyển sang giai đoạn sau được. Giai đoạn I: Cung cấp tri thức đạo đức phải rõ ràng, đầy đủ, chi tiết qua lời thuyết giảng nhiệt huyết của thầy…; qua mắt thấy: bức tranh, hình ảnh sinh động… Những thông tin được nghe, thấy hấp dẫn mới gây được xúc động và hình thành được tình cảm đạo đức ở HS. Giai đoạn II: Hình thành tình cảm đạo đức. Giai đoạn này kích thích được hứng thú học tập, dễ dàng thu nhận tri thức đạo đức mới – điều kiện để qua giai đoạn sau là HS tiếp tục suy nghĩ, với sự giúp đỡ của nhà trường, xã hội. Giai đoạn III:Hành vi đạo đức mới được hình thành. Từ giai đoạn III chuyển sang giai đoạn IV. Giai đoạn IV: Thói quen hành vi đạo đức phải có đủ 4 điều kiện: chủ thể phải tự giác, tích cực tham gia hành vi đạo đức; có điều kiện thuận lợi cho hành vi đạo đức được thực hành; quản lý chặt chẽ của trường học, xã hội (xử phạt, khen thưởng nghiêm túc, kịp thời); hành vi đạo đức phải được thực hành trong một thời gian dài, liên tục.
Qui trình giáo dục đạo đức phải áp dụng sáng tạo theo một số qui luật tâm sinh lý mới đạt hiệu quả lớn. Vì vậy có nhiều giải pháp thực hiện mang lại hiệu quả cao. Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM), dạy bài “Công ơn cha mẹ” đã giới thiệu với HS nhiều bức tranh và hình ảnh về bà mẹ già nua, nhăn nheo bên gánh hàng rong, về ông bố đang gò lưng đạp xe ba gác, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, về lời ru ngọt ngào của bà mẹ (qua máy phát) với lời giảng nhiệt huyết của mình đã gây xúc động lớn đối với HS, nhiều em đã khóc, đã thấy được công ơn to lớn của cha mẹ, thích thú muốn học giờ thầy.
Dạy môn GDCD nhằm giúp HS hiểu biết, nhớ, biến kiến thức thành của mình để sử dụng trong học tập, trong cuộc sống, nghề nghiệp sau này. Chúng tôi xin đưa ra một tài liệu nghiên cứu về mức độ tiếp thu và nhớ được trong học tập của HS Trường ĐH Maine (Hoa Kỳ) để các bạn tham khảo: Nghe giảng, HS nhớ được 5%; giảng bài có hình minh họa, HS nhớ được 20%; thảo luận nhóm, HS nhớ được 50%; làm nhiều bài tập, HS nhớ được 75%; phản biện vấn đề, ứng dụng những gì đã học, HS nhớ được 90%. Một số kết quả nghiên cứu khác bổ sung thêm rằng: Hình ảnh màu sắc giúp trí nhớ tiếp thu tốt hơn hình ảnh, tranh đen trắng; gây dựng được ấn tượng sâu sắc, kèm âm điệu giúp nhớ tốt hơn. Nhiều thầy cô giáo đã áp dụng sáng tạo những qui luật này trong giảng dạy GDCD như thầy Nguyễn Văn Liêm, Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đã dùng có hiệu quả nhiều thiết bị CNTT trong dạy học môn này. Ví dụ bài “Vật chất khách quan tồn tại”, thầy đã thiết kế thành hình ảnh sinh động trên màn hình các hiện tượng tự nhiên. Ấn tượng nhất là các hiện tượng lũ lụt, sóng thần, hạn hán gây thiệt hại to lớn về người và của hàng năm trên thế giới. Thầy hướng dẫn, HS thảo luận hiểu nguồn gốc tại sao đó là do con người làm trái qui luật tự nhiên và mỗi người trong đó có HS phải có trách nhiệm thân thiện với thiên nhiên. Cô Phạm Thị Thu Sương, Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký (TP.HCM) dạy bài “Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính” đã dùng phương pháp hỏi – đáp với máy chiếu, giúp HS tìm được kiến thức mới tuy rất trừu tượng. Hình ảnh hoa sen màu sắc rực rỡ chiếu lên màn hình. HS trả lời không khó, bằng mắt thấy màu sắc hoa sen lá xanh, bông trắng, nhụy vàng, mùi thơm hoa sen. Đó là nhận thức cảm tính do giác quan mang lại (thị giác, khứu giác). HS cũng dễ trả lời về công dụng của sen: ẩm thực, vị thuốc, hội họa… Nhận thức lý tính này do tư duy mang lại nói được bản chất của sự vật…
Tóm lại, bí quyết giảng dạy GDCD tốt là GV phải thật sự hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của môn học là góp phần tích cực rèn luyện thanh thiếu niên thành người lao động chất lượng cao, chuyên sâu, cung cấp cho xã hội trong giai đoạn hiện nay và tương lai; thật sự thương yêu HS. Từ đó mới suy nghĩ được nhiều biện pháp sáng tạo vượt nhiều khó khăn để môn học này sớm lên ngôi, sánh vai cùng với các bạn đồng môn trong nhà trường tiên tiến.
NGƯT Châu An

“Nghe giảng, HS nhớ được 5%; giảng bài có hình minh họa, HS nhớ được 20%; thảo luận nhóm, HS nhớ được 50%; làm nhiều bài tập, HS nhớ được 75%; phản biện vấn đề, ứng dụng những gì đã học, HS nhớ được 90%”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)