Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Nghiêm khắc nhưng phải biết mềm dẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn HS nghe lời thì thầy cô phải luôn gần gũi nhưng không được ưu ái hay thiên vị. Ảnh: P.N.Q
Đã làm công tác giám thị nhiều năm tôi thấy học sinh (HS) chưa ngoan thường xuyên vi phạm các lỗi: Từ việc không chăm chỉ học, vào lớp gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến bạn bè; liên tục đi trễ, không mặc đồng phục, tóc tai để dài… Cá biệt có HS mang xăng, hung khí vào lớp hay uống rượu say.
Nói ra không ai tưởng tượng nổi, thầy cô giám thị luôn là người phải trực tiếp giải quyết các vụ việc này. Lúc đầu nhiều người cho đó là áp lực nhưng rồi dần dần cũng quen, quan trọng là cách giải quyết như thế nào. Giám thị nào có kinh nghiệm thì cách giải quyết vừa nghiêm khắc nhưng lại vừa mềm dẻo, còn cứng rắn quá nhiều khi cũng hỏng việc. Khi thấy HS vi phạm, trước hết chúng ta nên khuyên nhủ, lựa lời giải thích cặn kẽ xem thử lỗi vi phạm đó thường xuyên hay là bột phát.
Một hình thức khác mà nhiều trường hay áp dụng cho HS chưa ngoan là phạt lao động như quét lớp, tưới cây, dọn cỏ… vừa răn đe nhưng cũng vừa giáo dục các em biết làm việc. Đối với những hành vi vi phạm nặng như mang hung khí vào lớp thì không thể bỏ qua được mà phải đưa ra hội đồng kỷ luật để có hình thức cảnh cáo phù hợp. Chúng ta không chỉ làm việc với các em mà còn phải kết hợp với phụ huynh để thông báo tình hình cũng như tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân vi phạm. Qua xử lý các trường hợp vi phạm, tôi thấy có khoảng 90% HS hư đều có gia đình không hạnh phúc. Điều này cho thấy ảnh hưởng từ cha mẹ và môi trường giáo dục là rất quan trọng. Ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, có nhiều dân nhập cư làm việc lao động chân tay. Nhà trường chỉ quản lý HS khi các em học ở trường (một ngày mấy tiếng đồng hồ), thời gian còn lại các em về sinh hoạt ở gia đình. Thế nhưng cha mẹ thiếu quan tâm, không ai để ý tới thì các em đi lêu lổng, tụ tập bạn bè và dễ hư hỏng. Có trường hợp HS hư, khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân thì mới biết là do người cha quá chiều chuộng con. Trước đây người cha này thường xuyên đánh vợ nên họ chia tay, và để tìm cách giành lại tình cảm của đứa con trai nên ông chiều chuộng con thái quá, muốn gì được nấy nên dần dần hư hỏng. Ngay chuyện HS chấp hành an toàn giao thông giữa nhà trường và gia đình vẫn chưa đồng bộ, thiếu hợp tác. Trong lúc ban giám hiệu nhà trường tìm cách tuyên truyền, giáo dục các em chấp hành Luật Giao thông bằng mọi hình thức như dán bảng tin, tổ chức tọa đàm, hội thảo thì cha mẹ chở con đến trường không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4… Có phụ huynh cho con chạy xe máy dù chưa đến tuổi, khi bị công an xử phạt còn tìm cách dung túng bao che. Điều này cho thấy, nếu chúng ta giáo dục theo kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” chẳng những không có tác dụng mà còn mất công tốn sức.
Có em HS hư hỏng nhưng người mẹ cưng chiều, sợ con bị chồng đánh nên khi con vi phạm kỷ luật thì giấu không cho chồng biết. Một lần nhà trường gọi điện cho phụ huynh vào ký giấy cam kết thì người cha vô tình nghe điện thoại nên mới hay. Lúc đó phụ huynh trách ngược lại nhà trường đã thiếu quan tâm, không liên lạc với gia đình.
Để hạn chế tình trạng HS vi phạm, ngay từ đầu năm nhà trường đã xiết chặt kỷ luật, xin phép nghỉ học phải có đơn và chữ ký của phụ huynh (đúng với chữ ký mẫu), thế nhưng vẫn có HS nhờ người khác ký đơn giùm.
Có một điều tôi muốn chia sẻ với các thầy cô giáo: Muốn HS nghe lời mình thì thầy cô đừng nên xa lánh các em mà hãy làm sao để các em tin và hiểu mình. Tuy nhiên, thầy cô cũng không nên thiên vị hay ưu ái đặc biệt với một em HS nào đó, vì các em rất tinh ý và cảm thấy thiếu công bằng thấy mình không được thầy cô quan tâm.
Đào Phương Lan
(GV Trường THPT Hiệp Bình)
Thầy cô giám thị biết quan tâm và xử lý đúng mực thì HS dễ nghe lời và luôn kính trọng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)