Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên không được dùng từ ngữ gây tổn thương HS tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Từ 11-12, thay vì những điểm số khô khan, việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ thay đổi theo hướng vừa cho điểm, vừa nhận xét về sự tiến bộ hoặc những điểm cần cố gắng của học sinh. Giáo viên cũng không được dùng những từ ngữ gây tổn thương cho học sinh.
Đây là quy định mới nhất về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học do Bộ GD – ĐT vừa ban hành nhằm khuyến khích HS phát huy tính tự học, sáng tạo, khả năng tự học, không tạo áp lực cho cả thầy và trò.
Thay đổi mang tính nhân văn
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD – ĐT TP HCM) cho biết, cùng với quy định mới của Bộ, TP HCM cũng đang soạn dự thảo về đổi mới cách đánh giá, cho điểm học sinh lớp 1 và từ năm học 2010 – 2011, TP HCM sẽ thí điểm ở học kỳ I lớp 1, sẽ không chấm điểm mà giáo viên chỉ ghi nhận xét sau mỗi bài.

Với cách đánh giá không gây tổn thương sẽ giúp học sinh tiểu học thêm cảm hứng trong học tập. Ảnh: H.N.K.
Việc thay đổi hình thức đánh giá này sẽ hạn chế được chuyện chạy đua luyện chữ vào lớp 1. “Với cách đánh giá này, giáo viên và cả phụ huynh sẽ có cách thức và phương pháp giáo dục phù hợp với khả năng của từng em”, ông Điệp nhấn mạnh.  
Đồng quan điểm với ông Điệp, Hiệu trưởng Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM), ông Lý Văn Huệ phân tích: Với quy định mới này, các trường chỉ cần điều chỉnh lại cách đánh giá một số môn học, chuyển từ cho điểm sang nhận xét là một thay đổi tích cực mang tính nhân văn hơn.
Theo quy định của Bộ GD – ĐT, ở phần đánh giá và xếp loại học lực, các môn học được chia thành hai loại: Môn học đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét (tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tin học) và các môn chỉ đánh giá bằng nhận xét trong quá trình học tập, không có bài kiểm tra định kỳ (đạo đức, tự nhiên và xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công, thể dục sẽ đánh giá bằng nhận xét theo hai mức hoàn thành (A) và chưa hoàn thành (B).
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng cho rằng, những điểm mới trong cách đánh giá giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc theo dõi điểm hàng tháng và tính điểm tổng kết cuối kỳ cuối năm cho học sinh.
Ví dụ, điểm tổng kết cuối kỳ  của các môn Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học trước kia phải tính điểm trung bình của bài kiểm tra giữa kỳ và học kỳ nhưng giờ chỉ cần điểm của bài kiểm tra cuối kỳ. Tuy nhiên, với cách tính điểm mới này, học sinh cần phải nỗ lực hơn trong bài kiểm tra cuối kỳ vì không có cơ hội gỡ điểm.
Nhận xét thiếu tâm, học sinh sẽ bị ám ảnh
Theo quy định mới của Bộ GD – ĐT, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá, xếp loại học sinh; không thông báo trước lớp và trong cuộc họp phụ huynh những điểm chưa tốt của từng em. Theo đánh giá của nhiều bậc phụ huynh, khi không bị “bêu xấu” phê bình trước lớp, con trẻ sẽ tự tin hơn. Chị Lê Bích Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Con trẻ rất nhạy cảm trước những lời khen chê. Sau hai tháng vào lớp 1, con trai chị bỗng “sợ” đi học vì ở lớp hay bị cô giáo chê viết xấu, làm tính chậm. Việc thay đổi cách nhận xét, tránh gây tổn thương cho trẻ cũng là cách động viên, giúp trẻ có cảm hứng học tập hơn".
Còn theo bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM: Trách nhiệm người giáo viên trong quy định mới này không hề đơn giản. Người làm công tác đánh giá phải thật sự công tâm, toàn diện, chính xác và công bằng.
Bà Điệp cũng chia sẻ: “Điều quan trọng mà giáo viên cần hiểu rõ là: Lời nhận xét đối với một học sinh tiểu học đôi khi còn quan trọng hơn cả điểm số. Có khi chỉ vì một lời nhận xét  thiếu cái tâm, học sinh sẽ ám ảnh cả cuộc đời”. Cùng suy nghĩ với bà Điệp, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Tiểu học Lương Thế Vinh nói: “Các trường cần tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên để hiểu rõ và nắm bắt kịp thời  cách đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định mới. Đặc biệt là phải tập huấn cho giáo viên cách nhận xét học sinh mang tính tích cực”.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD quận Gò Vấp, người gắn bó với giáo dục tiểu học nhiều năm và cũng từng là một giáo viên đứng lớp chia sẻ: “Tâm lý của người giáo viên, Bộ GD – ĐT quy định kiểm tra, đánh giá học sinh như thế nào, thì người giáo viên sẽ dạy theo thế đó nên phải có quá trình thích nghi”.
Theo Nguyễn Thủy – Ng.Anh (Đất Việt) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)