Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học để sống, không học để thi

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, dự thảo đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 không mới so với chương trình – SGK hiện hành bởi không đạt được sự thay đổi căn bản về nguyên lý giáo dục: học để sống làm người bình thường, không phải học để thi.

Dự án đổi mới sách giáo khoa đang gây tranh cãi Ảnh: Quý Hiên – Hồng Vĩnh.
GS Hồ Ngọc Đại nói:
Sau khi tiếp cận dự thảo đề án, tôi thực sự chán ngán không muốn phát biểu gì vì theo tôi, đó thực sự là một bản thảo ít giá trị về mặt khoa học. Nhóm tác giả đưa ra những chữ nghĩa nghe hơi lạ tai, bóng bẩy nhưng không khoả lấp được tư duy cũ kỹ, lạc hậu. Nào là phát triển năng lực, dạy chữ, dạy người, giá trị nhân bản của dân tộc- nhân loại.v.v…
Nhưng họ căn cứ vào tư tưởng, nguyên lý căn bản của giáo dục nào trong giai đoạn hiện nay?
Văn kiện Đại hội Đảng XI viết: Thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục. Những người soạn thảo đề án hiểu thế nào hai chữ căn bản, toàn diện? Cái cày chìa vôi vẫn là cái cày chìa vôi, cho dù nó làm bằng gỗ hay inox. Phải bỏ hẳn cái cày chìa vôi, thay bằng máy cày công nghiệp, thế mới gọi là thay đổi căn bản. Nền giáo dục không thay đổi được căn bản nếu cái gốc không thay đổi. Chương trình – SGK chỉ là phần ngọn. Bàn về phần ngọn chẳng để làm gì khi phần gốc chưa có.
Theo giáo sư, cái gốc căn bản trong giáo dục cần phải thay đổi là gì?
Đầu thế kỷ 20, cả nước chỉ có 5% số người được đi học. 95% người còn lại không được đi học, nhưng họ vẫn sống làm người bình thường. Như vậy mục tiêu học tập của 5% số người dân ấy là để thoát ly ra khỏi cuộc sống của chính họ, để đứng cao hơn những người bình thường, nói ngắn gọn: học để làm quan, làm cán bộ.
Bây giờ thì khác. Tất cả trẻ con sinh năm 2001 đều đi học lớp 1 vào năm 2007. Cũng những em đó sẽ trở thành công dân và đi bầu cử vào năm 2019. Dạy cho các em cái gì, đó là điều ngành giáo dục phải chỉ ra được. Chắc chắn không thể phỏng theo nền giáo dục cho 5% dân cư của thế kỷ trước.
Nếu 5% người dân trước đây đi học là để thoát ly cuộc sống thì giờ đây, 100% người dân đi học là để được sống cuộc sống của một người bình thường. Học không phải để hơn người khác, học không phải để thành ai đó, mà học để mỗi người được trở thành chính mình. Đó là nguyên lý căn bản của giáo dục cần phải đạt đến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Suy ra, hạnh phúc là đích cuối cùng mà mỗi dân tộc, mỗi cá thể hướng tới. Mọi nỗ lực chỉ để đạt tới một chân lý đơn giản: sống hạnh phúc. Trẻ em càng phải được sống hạnh phúc.
Với đời sống xã hội của người Việt Nam, hạnh phúc của trẻ em là hạnh phúc của cả bố mẹ các em, của ông bà nội/ngoại các em… Vì thế niềm hạnh phúc của trẻ em tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ tới trạng thái chung của xã hội. Phải làm sao để trẻ em thấy mình hạnh phúc, đó là tư tưởng chỉ đạo mà những nhà hoạch định chiến lược giáo dục cần phải vạch ra.
GS Hồ Ngọc Đại.
Trong nhiều ngày qua, khi phản biện dự thảo đề án đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, giới trí thức cũng cho rằng việc chưa ban hành chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng là một lý do chưa nên có dự thảo đề án này…
Tôi tán thành.Việc xác định nguyên lý căn bản của giáo dục trong giai đoạn mới là căn cứ để cấp quản lý vĩ mô đưa ra chiến lược phát triển giáo dục trung hạn, dài hạn. Chiến lược đó phải thoát ra khỏi cái cũ, cái chật hẹp hiện nay. Học sinh phải được học những điều đơn giản, cơ bản, cần cho cuộc sống của chính các em thay vì đó là một gánh nặng mà các em cũng như người lớn phải phấn đấu, phải gắng sức.
Học để sống khác với học để thi. Học để sống bình thường sao cho tự nhiên, vui vẻ, hạnh phúc. Các em tham gia hoạt động giáo dục một cách náo nức, không phải nơm nớp lo lắng về những bảng đánh giá, xếp loại.
Xếp loại làm sao được con người khi mỗi người hiện đại là một cá thể có giá trị riêng biệt. Em này có thể học toán giỏi, văn giỏi nhưng không biết làm gì khác; em khác có thể là một người bạn rất tốt của mọi người, biết quét nhà, rửa bát, nấu cơm, giúp đỡ gia đình…
Để đạt được tư tưởng này, chúng ta phải gạt bỏ thái độ tôn sùng chữ nghĩa, lệ thuộc vào bằng cấp. Tôi là người được đi học, tôi có bằng cấp, nhưng tôi xem mọi thứ đó chỉ là tào lao. Để con người được sống cuộc sống hạnh phúc của một người bình thường, đó mới thực sự là điều vĩ đại mà một nền giáo dục cần hướng tới.
Cảm ơn giáo sư.
Theo Quý Hiên
Tien Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)