Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sử dụng phương pháp dự án để giảng dạy lịch sử địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những tư liệu về lịch sử địa phương được các em HS Trường TH Dương Minh Châu, Q.10 sưu tầm, chụp ảnh… rồi tổng hợp lại thành một tờ báo tường

Phương pháp dự án là một phương pháp mà học sinh (HS) có nhiệm vụ học tập phức hợp. HS thực hiện nhiệm vụ học tập với tính tự lực cao. Theo qui trình dạy phương pháp thì vai trò của HS như sau: HS tham gia chọn đề tài, nội dung hoạt động nhóm phù hợp với khả năng và hứng thú của các nhóm.
Phương pháp dự án sẽ rèn luyện tính sẵn sàng và kĩ năng hợp tác của các em HS. Theo đó, HS (nhóm) thu thập, xử lí thông tin từ nhiều nguồn theo vai đảm nhận, tích lũy kiến thức và nhiều giá trị khác từ quá trình làm việc. Cho phép HS làm việc “một cách độc lập” để hình thành kiến thức và cho ra những kết quả thực tế. Nâng cao kĩ năng sử dụng CNTT vào quá trình học tập và tạo ra sản phẩm. HS tập giải quyết các vấn đề có thật trong đời sống bằng những kĩ năng của “người lớn” như cộng tác và diễn giải. Qua đó, mỗi bài học đều thật sự hấp dẫn đối với HS vì vấn đề mà các em đang giải quyết là vấn đề có thực trong cuộc sống.
Để đạt được thái độ tự hào về truyền thống lịch sử của địa phương, giáo viên cần sử dụng biện pháp dạy học theo dự án để HS có được động cơ và thái độ học tập đúng đắn. Phương pháp dạy theo dự án qui định dạy 4 tiết lịch sử của địa phương, do đó giáo viên cần có bước chuẩn bị chu đáo: cho HS tham gia chọn đề tài, nội dung hoạt động nhóm phù hợp với khả năng và hứng thú của từng nhóm, tìm tư liệu hình ảnh trước khi học lịch sử địa phương… Sau đó phân công nhiệm vụ cho từng nhóm cụ thể, kết hợp chặt chẽ với phương pháp trò chơi, phương pháp vấn đáp. Có thể cho HS chơi trò làm báo, lớp trưởng làm tổng biên tập, nhóm trưởng thu góp chỉnh sửa tư liệu do các bạn phóng viên thu thập về. HS có thể tìm hình ảnh, tư liệu ngay nơi mình ở. Một số HS có khả năng tư duy tốt được phân công đặt câu hỏi về đặc điểm địa hình, vị trí, diện tích, khí hậu, dân cư, phong trào cách mạng của ông cha tại địa phương. Giáo viên kiểm tra từng bước trước khi lên lớp dạy. Tại lớp, các em làm việc theo nhóm với bản đồ địa phương, trình bày hình ảnh, tư liệu cho bạn bè xem, mời bạn đặt câu hỏi.
Tiết học không có sự tham gia trực tiếp của giáo viên. Sau khi học nhóm, lớp trưởng tổng hợp câu hỏi, mời các bạn trả lời. Tất cả các em HS có sự chuẩn bị tốt nên đã trả lời được câu hỏi với sự tự tin rất cao. Qua đó giáo viên mới thấy được sự tích cực của các em khi được học với phương pháp dự án. Nhiều em tự hào về kiến thức và tư liệu của mình thu lượm được.
Thực tế ở lớp tôi dạy vừa qua, các em đã được bố mẹ hỗ trợ chụp hình các địa danh lịch sử địa phương. Cả lớp xem hình rất thích thú, bàn tán và đặt nhiều câu hỏi thú vị.
Ngoài ra, giáo viên có thể kết hợp phương pháp dự án với phương pháp trò chơi, theo đó giáo viên hướng dẫn HS làm ô chữ đố vui. Mỗi nhóm HS làm một ô chữ về một đề tài học tập. Giáo viên chia bảng làm hai cột hướng dẫn các em, một bên đặt câu hỏi, một bên vẽ ô chữ. Ấn định thời gian cho các em xong bảng ô chữ nào thì dán lên bảng lớp, mời nhóm khác trả lời. Phương pháp này giúp cho giờ học sinh động, HS hào hứng, kiến thức lịch sử được khắc sâu. Sau đó, ở tiết học sau, giáo viên kết hợp với phương pháp trình bày báo tường. Mỗi tổ đề cử HS viết chữ đẹp ghi lại các câu đố, các câu giải đáp, kẻ các ô chữ đố vui, dán các hình ảnh chụp được, bài giới thiệu kĩ về kiến thức của từng công trình lịch sử… Sản phẩm của tiết học là một tờ báo tường về lịch sử địa phương.
Học phương pháp này giúp HS không chỉ nắm vững kiến thức lịch sử địa phương, mà các em còn có thái độ tự tin trong học tập, niềm tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương. Một số HS còn rèn luyện được khả năng tìm tư liệu trên mạng, chụp được hình ảnh trên thực tế, đặt câu hỏi, vẽ ô chữ, làm báo tường về lịch sử địa phương. Dạy học theo dự án giúp HS chuyển từ hình thức học thụ động sang hình thức học chủ động có định hướng; từ thụ động ghi nhớ, lặp lại sang khám phá, tích hợp và trình bày; từ nghe và đáp ứng sang truyền đạt và dám chịu trách nhiệm; từ phụ thuộc vào giáo viên sang chủ động trong quá trình học tập.
 Có thể nói, dạy và học theo dự án khuyến khích sự sáng tạo nơi các em, giúp các em huy động kiến thức tổng hợp để thực hiện dự án, đồng thời phát triển đa dạng các kĩ năng như phân tích, tổng hợp, lập kế hoạch triển khai, đánh giá… Với phương pháp này, các em sẽ tự tin trong quá trình học tập và cả trong cuộc sống sau này.
Lê Thị Liên
(GV Trường TH Dương Minh Châu, Q.10, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)