* Đề nghị luật hóa quy định về bếp ăn tập thể
Sáng nay, 10-6, QH nghe các báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo Báo cáo của UBTVQH do Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày, số liệu thống kê từ báo cáo của 62 tỉnh, thành phố, số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) 2004-2008 là 2.160 vụ, trung bình là trên 430 vụ/năm; số người mắc là 8.565,6 người/năm; số người chết trung bình là 78,2 người/năm. Đặc biệt, số vụ NĐTP có xu hướng tăng.
Trong khi tình hình vẫn đang phức tạp, kinh phí cho công tác quản lý VSATTP từ năm 2004- 2008 còn quá hạn hẹp. Tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn 5 năm là 329 tỷ đồng. Tính đến năm 2008, mức đầu tư mới đạt 1.100 đồng/người dân/năm, chỉ bằng 1/15 mức đầu tư của Thái Lan cho công tác ATVSTP.
Phát biểu ý kiến tại hội trường về công tác quản lý VSATTP, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) nhận định: “nguyên nhân của sự yếu kém trong lĩnh vực này chủ quan nhiều hơn khách quan”. Bà Kim Anh lưu ý những con số cũng như nhận định tình hình giữa các cơ quan khác nhau có sự không thống nhất, gây cảm giác bất an cho người tiêu dùng.
“Căn cứ nào Chính phủ đánh giá công tác tuyên truyền đối với cộng đồng là tốt, trong khi vẫn còn những người kinh doanh sẵn sàng vì lợi ích trước mắt mà bất chấp lợi ích của cộng đồng. Dường như ta mới quan tâm đến VSATTP của hàng hóa xuất khẩu, chứ thị trường nội địa chưa được chú trọng đúng mức”, ĐB đặt vấn đề.
Bà Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đồng tình: “Khi xảy ra sự cố, chưa có vụ nào người tiêu dùng Việt Nam được đền bù thỏa đáng, “nước tương đen” là một ví dụ”. Là ĐB của một địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, bà Hằng đề nghị Chính phủ đầu tư thích đáng cả kinh phí lẫn nhân lực làm công tác này, đặc biệt cần “luật hóa những quy định về bếp ăn, suất ăn tập thể” để phòng ngừa tối đa nguy cơ ngộ độc tập thể.
Một giải pháp quan trọng hàng đầu được nhiều ĐB đề xuất trong phiên họp sáng nay là sớm ban hành Luật An toàn thực phẩm.
Phân tích nguyên nhân gần 1.500 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) giai đoạn 2004-2008:
– Tỷ lệ vụ NĐTP do vi sinh vật giảm, giai đoạn 2004-2006 là 46,5%, giai đoạn 2007-2008 là 36,8 %.
– Tỷ lệ vụ NĐTP do thực phẩm biến chất giảm, giai đoạn 2004-2006 là 10,0%, giai đoạn 2007-2008 là 9,3 %.
– Tỷ lệ vụ NĐTP do hóa chất tồn dư giảm, giai đoạn 2004-2006 là 10,2%, giai đoạn 2007-2008 là 9,3 %.
– Tỷ lệ vụ NĐTP do độc tố tự nhiên tăng, giai đoạn 2004-2006 là 23,8%, giai đoạn 2007-2008 là 30,2%.
– Tỷ lệ vụ NĐTP do nguyên nhân khác tăng, giai đoạn 2004-2006 là 9,5%, giai đoạn 2007-2008 là 14,3%.
ANH PHƯƠNG (sggp)
Bình luận (0)