Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuổi trẻ với biển đảo quê hương

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS trên địa bàn quận Gò Vấp xem triển lãm ảnh về biển đảo do ngành GD-ĐT quận tổ chức
Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các hải đảo và quần đảo cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta.
Trong thời đại hòa bình hôm nay, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia ven biển có những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới, biển đảo càng có tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1. Chúng ta đều biết vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực… Đây là cánh cửa rộng mở để cho ta vươn ra đại dương bao la, nhằm chủ động hội nhập kinh tế với thế giới. Biển và vùng ven biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế còn bởi nguồn tài nguyên tiềm tàng mà nếu biết khai thác sẽ làm cho đất nước ta ngày càng giàu và mạnh lên từ biển. Về quân sự, biển nước ta được ví như mặt tiền, cửa ngõ của quốc gia. Biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên giậu, chiến lũy bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Như vậy có tới 2/3 các cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng đường biển để tấn công xâm lược nước ta và đã bị vùi thây tại những tuyến phòng thủ này.
Bước sang thế kỷ 21, “Thế kỷ của biển và đại dương”, các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, vì thế các quốc gia ngày càng quan tâm tới nguồn tài nguyên từ biển cả. Và cũng từ đây, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác biển, có những quốc gia mưu đồ bành trướng mở rộng diện tích biển đảo bằng cách xâm lấn từng bước biển đảo của các quốc gia khác. “Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Đó là một lời tuyên bố hùng hồn về việc xác lập chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam đồng thời là sự nhắc nhở về thái độ cương quyết nhưng bình tĩnh của chúng ta. Và cao hơn hết, đó là một “bức tâm thư” gửi tới nhân dân cả nước về ý thức và trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo của quê hương.
2. Cả nước đang hướng về biển đảo với tất cả tình yêu và sự quan tâm. Trước hết, mỗi chúng ta cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò to lớn của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là vị trí chiến lược về quốc phòng – kinh tế – xã hội của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với đất nước. Từ sự khám phá cảm nhận đó, tình yêu sẽ đến dịu dàng: Đó là tình yêu dành cho những miền đất, dẫu ta chưa một lần đặt chân đến. Yêu sự chân chất giản dị nhưng kiên quyết của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho quê hương. Yêu cả những câu chuyện về biển đảo thân yêu, về Trường Sa, Hoàng Sa… Và yêu vẻ đẹp kiên cường của anh bộ đội “gác trời khuya đảo vắng” – đứng trên “đầu sóng, ngọn gió” để “canh giữ đất trời”, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.
Mỗi chúng ta có thể trở thành một tuyên truyền viên giúp mọi người cùng hiểu, cùng nhau giữ gìn hải đảo biên cương của Tổ quốc. Những người trẻ hăm hở cống hiến nhiệt tình và sáng tạo, góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh về biển – giàu lên từ biển”. Thế hệ trẻ hôm nay cần đóng góp sức mình bằng những việc làm cụ thể vào công cuộc xây dựng biển đảo quê hương. Hãy cùng nhau tham gia tích cực những cuộc vận động Góp đá xây Trường Sa, Viết thư gửi lính đảo Trường Sa, Vì biển đảo thân yêu, Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc, Em yêu biển đảo Việt Nam, Vì biển xanh quê hương
3. Có thể còn những âu lo, còn những khó khăn, thách thức nhưng tình yêu, niềm tự hào và nỗi lo sẽ hóa sức mạnh khi mỗi người chúng ta sẵn sàng hành động với những việc làm thiết thực xuất phát từ tình yêu ruột thịt, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng bắt đầu hành trình đến với biển ngay từ hôm nay.
Hoàng Thị Diễm Thúy
(HS lớp 9/2 Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, TP.HCM)
“Mỗi chúng ta cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò to lớn của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là vị trí chiến lược về quốc phòng – kinh tế – xã hội của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với đất nước”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)