Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh viện quá tải vì nắng

Tạp Chí Giáo Dục

Nắng nóng tiếp tục kéo dài đã khiến lượng bệnh nhân (BN) với nhiều loại bệnh ùn ùn đổ về các bệnh viện (BV) gây nên tình trạng quá tải trầm trọng. Với từng nguy cơ, các bác sĩ đã đưa ra những lời khuyên cần thiết.

Người già, trẻ nhỏ cùng ngã bệnh

Tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai), BS Đồng Văn Thành cho biết, BN tim mạch, khớp, thần kinh vào viện rất đông (khoảng 80–90 BN/ngày), gấp đôi ngày thường. Riêng BN mạch vành, suy tim, huyết áp vượt quá 30% so với ngày thường. Thời tiết nắng nóng khiến huyết áp không ổn định, nhất là ở những người bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, BN sau can thiệp, bị van tim, suy tim… khiến bệnh tình tiến triển nặng hơn và phải cấp cứu.

Nhiều người nhập viện vì nắng nóng gay gắt.

Mới đầu buổi sáng, nhưng số phụ huynh bế con ngồi chờ đến lượt khám tại BV Nhi T.Ư đã xếp hàng dài. BS Cấn Phú Nhuận (khoa Khám bệnh của BV) cho biết, vào mùa hè, phát ban, tay-chân-miệng, hen, viêm phế quản là loại bệnh khá phổ biến. Những ngày nắng nóng này, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 2.500–3.000 BN đến khám.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) – cũng cho hay, theo quy luật thì mỗi khi thời tiết thay đổi, lượng BN nhập viện đều tăng đột biến, chủ yếu mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Nắng nóng cũng khiến sức đề kháng của nhiều người kém đi, dễ bị nhiễm khuẩn, sốt virus, viêm đường hô hấp… Vì vậy rất có thể, lượng BN sẽ tăng cao trong vài ngày tới.

Còn BS Nguyễn Văn Long (khoa Khám bệnh – BV Lão khoa T.Ư) cho biết, số ca bệnh nặng hiện chiếm tỉ lệ cao do các chứng tăng huyết áp, đột quỵ. Bên cạnh đó, số người già bị say nóng, say nắng cũng tăng đáng kể.

Ngoài người già, các đối tượng dễ mắc say nắng nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người phải thường xuyên hoạt động lâu ngoài trời có nhiệt độ cao… khiến cơ thể xuống sức nhanh chóng. Đặc biệt, các BN có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp… cũng dễ say nắng và đột quỵ.

Tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ, thời điểm này rất nhiều ông bố, bà mẹ bồng bế con đi chích ngừa dẫn đến tình trạng quá tải. Gần 11h sáng, tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, vẫn đông người chờ đến lượt tiêm.

Những giải pháp phòng, chống

Thời tiết nắng nóng gay gắt dễ khiến cơ thể trở nên mệt mỏi. Đặc biệt, vào thời điểm giữa trưa nếu không chú ý đề phòng rất dễ ngất xỉu, đột quỵ, thậm chí tử vong vì nắng nóng.

BS Nguyễn Hữu Tuyên – Phó Trưởng khoa Ngoại chấn thương và cấp cứu (BV E Hà Nội) – cho hay, trong những ngày nắng gắt, số lượng BN nhập viện cấp cứu đã tăng đáng kể. BN chủ yếu bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, ngất xỉu do say nắng… Say nắng cũng có thể kèm theo các tổn thương thần kinh trung ương do tác động trực tiếp của tia cực tím từ mặt trời vào đầu, gáy. Vì vậy, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dễ đột quỵ, tử vong rất nhanh. Do đó, cần lập tức sơ cứu BN say nắng bằng cách đưa người bệnh vào nơi râm mát.

Các BS khuyến cáo, nắng nóng khiến cho sức đề kháng của cơ thể kém đi và dễ bị các bệnh sốt virus, bệnh đường hô hấp, do đó không nên tập trung nhiều ở chỗ đông người, ngột ngạt. Những người bệnh mạn tính phải uống thuốc đều đặn theo chỉ định, đặc biệt là người già. Hạn chế đi ra ngoài trời vào lúc nắng đỉnh điểm trong ngày. Nếu buộc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng. Không ra ngoài khi có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt…

Công nhân, nông dân làm việc ngoài trời cần mặc quần áo bảo hộ, nghỉ giữa giờ để tái sản xuất sức lao động. Trời nắng, nên tích cực uống nước vừa đủ, tốt nhất là nước có pha thêm chút muối. Chú ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn các loại hoa quả, vitamin để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể…

Dương Hải

Tho Lao Động

Bình luận (0)