Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhà trường ngại truyền thông?!

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Tam Phú (Thủ Đức) đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.Bình

Với phóng viên viết mảng giáo dục, mỗi mùa tuyển sinh được coi là mùa bận rộn nhất trong năm. Với các trường ĐH, CĐ tổ chức thi cũng thế. Tuyên truyền là nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông báo chí, nhưng với các trường ĐH, CĐ đôi khi đó lại là sự “làm phiền”, họ tiếp phóng viên chỉ vì không thể từ chối. 
Năm nào cũng vậy, cánh phóng viên viết giáo dục chúng tôi đều “rỉ” tai nhau “danh sách” những trường cần… tránh. Không phải vì trường đó ở xa mà là tránh để không “rước bực vào người”. Một cô bạn đồng nghiệp ở báo khác tâm sự, sau khi xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ mới được vào Trường ĐH S., người tiếp phóng viên là trưởng phòng tổng hợp. Anh trưởng phòng trả lời vanh vách các câu hỏi của phóng viên về công tác tuyển sinh của trường, nhưng sau đó thông báo một câu “xanh rờn”: Mình không phải là người phát ngôn của trường. Ô hay, không phải là người phát ngôn thì nhận nhiệm vụ tiếp báo chí làm gì cho mệt, để hai bên đỡ mất thời gian. Rồi có những trường, chúng tôi đến, hỏi gì cũng bảo lên website của trường mà xem. Không biết trường trả lời cho qua chuyện hay muốn quảng bá website trường mình? Mà cũng không cần phải đến các trường, chỉ cần vào website của trường là đủ biết trường đó có thực sự “mở” hay “đóng”. Trông mặt mà bắt hình dong ở một khía cạnh nào đó luôn luôn hợp lý.
Nhưng có một thực tế, những trường ngại tiếp xúc với báo chí, không thích truyền thông lại là những trường công và thường có chút tiếng tăm. Trước mùa tuyển sinh, trong khi khu vực phía Nam các trường rất sôi nổi tham gia chương trình Tư vấn mùa thi thì miền Bắc chỉ có độc một “tour” duy nhất tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cũng có lác đác trường tự tổ chức tư vấn tuyển sinh cho thí sinh trước khi đăng ký hồ sơ dự thi ĐH, CĐ nhưng vẫn còn rất ít, thậm chí là quá ít. Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ có hiện tượng này là do tâm lý người học sẽ phải tìm đến trường vẫn còn đè nặng trong suy nghĩ của lãnh đạo các trường. Đã từ lâu, thí sinh Việt Nam quen với hình ảnh các giáo sư, hiệu trưởng nổi tiếng từ các trường ĐH lớn của thế giới đến Việt Nam tiếp xúc với những người có nhu cầu muốn vào học trường mình. Những cái bắt tay, những nụ cười thân thiện, thậm chí là những chiếc bút có tên trường, những logo có biểu tượng của trường được trao tặng cho từng ứng viên. Nhưng hình ảnh này quá xa lạ với lãnh đạo các trường ĐH ở Việt Nam. Có khi cả 4-5 năm học, sinh viên chỉ biết hiệu trưởng qua chữ ký của tấm bằng tốt nghiệp. Bởi muốn gặp được các thầy đâu phải cứ gõ cửa là vào được. Còn tại các buổi tư vấn tuyển sinh, chỉ thấy bóng dáng của thầy hiệu phó hoặc các thầy cô ở phòng đào tạo.
Với xu hướng cạnh tranh như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa, nếu các trường công vẫn tiếp tục “khép mình”, chắc chắn họ khó có nhiều thí sinh tìm đến. Vì người học có quyền lựa chọn, họ bỏ tiền học thì sẽ lựa chọn những ngôi trường mà trước đó họ đã hiểu và biết về nó như thế nào. Sắp tới, học phí thấp chắc chắn sẽ không còn là điểm mạnh của các trường công. Bằng chứng là đã có nhiều ngành ở các trường công có nguy cơ phải đóng cửa do không tuyển được thí sinh. Ngoài nguyên nhân việc làm không hấp dẫn, hoặc khó có việc làm, còn một nguyên nhân quan trọng nữa đó là các trường không cho thí sinh cơ hội hiểu mình.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)