Giáo viên nên chia sẻ với những khó khăn mà các em HS gặp phải. Ảnh: Anh Khôi |
Cô đơn – hội chứng của những học sinh, sinh viên (HS-SV) bị người khác xếp vào top “tự kỉ” của lớp. Có đến vài chục bạn trong lớp thế mà chẳng chơi với ai hoặc chẳng ai chơi với mình. Tan học là về nhà chẳng màng đến “thế sự” trong lớp, vậy nguyên do là vì đâu?
Thiếu tự tin và ích kỉ
Đây là hai căn bệnh khiến HS-SV trở thành “bán đảo bơ vơ” trong lớp học. Thiếu tự tin về ngoại hình, học tập, không dám giơ tay phát biểu vì sợ sai, không dám nói trước đám đông vì sợ quê, bị cười… Vậy là không ít em chọn cách im lặng… là vàng. Nhưng càng im lặng thì các em càng bị lãng quên dù đang ngồi ngay bàn đầu hay ngồi trong đám đông.
P.Q (SV Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình 2) tâm sự: “Học hết năm 2 mà em không có một người bạn nào thật sự. Lên lớp chỉ ngồi một mình, thích thì nghe giảng, không thích thì ngủ hoặc nhìn vu vơ ra cửa sổ… hết buổi rồi về. Trong lớp em chẳng bao giờ bắt chuyện với ai, có bạn tới hỏi chuyện thì cũng chỉ nói vài câu rồi thôi…”. Chính vì vậy, mỗi khi lớp tổ chức sinh hoạt tập thể như tìm hiểu Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Q. không đi chung mà tự “xé lẻ” đi riêng, viết bài thu hoạch nộp là xong. Làm bài tập nhóm thì được tổ trưởng giao gì làm nấy chẳng cần phải họp nhóm hay đóng góp ý kiến gì cả. Do đó, Q. dần trở thành “vô hình” trong mắt bạn bè.
Một HS có nickname ldthanhqng… chia sẻ trên trang cá nhân: “Quan điểm của mình là đi học cũng chẳng cần có nhiều bạn, không hợp nhau khó nói chuyện. Bạn bè trong lớp gặp nhau cười rồi thôi, tên biết chi cho lắm… Mình thấy vậy khá vui, nhiều lúc ngồi một mình nhưng chẳng thấy cô đơn, có khi còn cố tình ngồi một mình nữa mà”. Đây là một lí do biện minh cho sự cô đơn do chính mình tạo ra.
Ta là một, là duy nhất!
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cô đơn trong lớp học của HS-SV. Các em thường chơi nổi bằng cách “diễn” cảnh im lìm hoặc nói chuyện thì “nổ” khiến càng ngày mọi người càng giãn ra, xa lánh. Cũng có nhiều HS-SV tự thu mình lại khi gặp phải một cú sốc như bị bạn bè lừa dối hay nói xấu sau lưng, chơi xỏ dẫn đến mất lòng tin.
V.X (HS Trường THPT N., TP.HCM) chia sẻ rằng em đã không chơi với một ai trong lớp, thậm chí không tin bất cứ người bạn nào được nữa. Năm học lớp 10 em bị chính người bạn thân nhất vu oan lấy trộm 100 ngàn đồng đóng học phí. Sau một tuần “điều tra” cô giáo chủ nhiệm mới tìm ra “thủ phạm” chính là cậu bạn thân kia của em, do chơi game thua nên bạn nói dối để tìm cớ “hoãn binh”. Sau lần đó, em trở nên “tự kỉ” không nói chuyện hay tham gia hoạt động nào của trường lớp. Dần dần em đã trở thành “kẻ cô đơn” trong lớp.
Ngược lại, có HS lại tự cho mình là số 1, chẳng ai xứng đáng chơi với mình. Tự nhốt mình trong một chiếc hộp lạnh lùng không quan tâm tới ai, luôn tự cho mình là giỏi. Làm việc nhóm thì phải là người “lãnh đạo” mới chịu, mọi người phải làm thế này mới đúng, làm thế kia là sai. Không chỉ vậy mà các thành viên này còn thiếu tôn trọng ý kiến của những người trong nhóm, gây mất đoàn kết.
N.T (HS Trường THPT M.K, TP.HCM) tâm sự: “Lớp chia nhiều nhóm để làm bài tập toán. Bạn H. được xếp vào nhóm nhưng lại khăng khăng đòi làm một mình. Bạn ấy vốn học giỏi nên luôn cho rằng chẳng ai bằng mình, mỗi lần có ai phản biện lại ý bạn là nhận ngay một gáo nước lạnh “biết gì mà nói, khi nào học giỏi bằng tôi đi rồi nói”. Càng ngày H. càng bị bạn bè tẩy chay, cho ra rìa vì cái thói ích kỉ và “chảnh chọe” của mình”.
Hầu hết HS-SV đều rất sợ việc bị bạn bè nói xấu và phản ứng tự bảo vệ là không chơi với ai, để không ai biết chuyện của mình. Bên cạnh đó hoàn cảnh gia đình cũng khiến các em tự ti chui vào “chiếc vỏ ốc” để tự bảo vệ mình. Cha mẹ “cơm không lành canh không ngọt”, chia tay nhau… cũng làm cho các em tự ti, mặc cảm. Dễ dàng để nhận ra triệu chứng này của teen, ngồi lẻ loi không nói chuyện với ai, đọc truyện tranh, ngồi ghế đá, ôn bài một mình… Giờ ra chơi cũng không rời khỏi chỗ ngồi, lảng tránh nói chuyện với bạn bè.
Phải biết “tự đập vỏ ốc” chui ra
Không phải ngày một ngày hai mà các em có thể tự thoát khỏi cái bóng của chính mình để hòa nhập được với các bạn. Các em rất cần những lời động viên từ phía thầy cô và sự đồng cảm của các bạn trong lớp. Những lời khen chân thành, khuyến khích luôn là bài thuốc hữu hiệu để động viên các em mạnh dạn hơn. Đừng bao giờ hỏi “em muốn tham gia hoạt động này không?” mà hãy nói “em hãy tham gia với các bạn nhé, thầy cô tin em sẽ làm tốt, cố lên nhé em!”. Với những HS nhút nhát, im lặng thì đừng bao giờ đợi em ấy giơ tay phát biểu ý kiến, hãy chỉ định em ấy trả lời câu hỏi xây dựng bài. Thái độ của thầy cô rất quan trọng, hãy vui vẻ tiếp nhận câu trả lời dù cho nó đúng hay sai, đúng thì khen, sai thì đính chính. Thầy cô cần tránh quá gay gắt khiến các em trở nên sợ sệt.
Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần hướng dẫn cho các em “tự đập vỏ ốc” của mình chui ra. Không phải lúc nào thầy cô cũng có mặt kịp thời để gỡ rối cho HS nên hãy để các em tự điều khiển các hành vi của mình. Hiện nay tại các trường học đều có phòng tư vấn tâm lí, thầy cô nên khuyến khích các em chia sẻ “nỗi khổ” trong lòng mình bằng cách viết thư, email hay nói chuyện qua face… Từ đó, thầy cô định hướng lại và phân tích thiệt hơn về các hành vi đấy để các em tự định hướng thoát xác khỏi vỏ ốc của chính bản thân mình.
Khánh Đan
Bình luận (0)