Để quá trình giáo dục đạo đức HS có kết quả, cần kết hợp 3 vai trò: gia đình, nhà trường và xã hội. Ảnh: N.Anh |
Các nhà nghiên cứu cho rằng: Nếu khai phá trí tuệ và giáo dục đạo đức sớm sẽ có tác dụng quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển giá trị đạo đức nhân cách của học sinh (HS).
Căn cứ vào quy luật này, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần bồi dưỡng đạo đức lối sống, bồi dưỡng tinh thần tự lập, tự chủ cho HS; dạy các em có lòng cảm thông, sự bao dung và có khả năng phân biệt tốt – xấu…
Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần chú ý căn cứ vào quy luật phát triển tâm lý của các em, tiến hành giáo dục phẩm chất, đạo đức liên tục để nhân cách các em hình thành và phát triển toàn diện. Trường học chính là nơi các em học tập, tích lũy kiến thức và cũng chính là trọng tâm hình thành nên đạo đức nhân cách. Gia đình là môi trường sớm của các em, là người thầy đầu tiên, cũng là người thầy suốt đời của các em. Và xã hội là môi trường lớn cho sự trưởng thành của các em. Trong việc giáo dục đạo đức nhân cách cho HS, cả ba môi trường (gia đình, nhà trường và xã hội) phải có sự liên hệ chặt chẽ tương quan, hỗ trợ lẫn nhau tạo thành một tam giác cân nhằm bảo vệ cái tâm nhân cách cho các em. Nhưng, vấn đề giáo dục đạo đức HS không phải một sớm, một chiều có thể tiến hành thành công mà là một quá trình lâu dài.
Về phía gia đình:Hiện tượng mặt trái của cơ chế thị trường với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình giải trí vui chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm cho môi trường giáo dục trở nên thiếu lành mạnh, cùng với việc nhiều cha mẹ do nhận thức vấn đề giáo dục con cái chưa đầy đủ quan tâm hoặc nuông chiều thái quá trong nuôi dạy… cũng đã tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em. Không ít vợ chồng sống với nhau “cơm không lành, canh không ngọt” lại thiếu gương mẫu trong ứng xử trước mặt con cái… Việc thường xuyên chứng kiến cảnh tượng không hay vô tình đã gieo vào thế hệ trẻ những quan niệm sống lệch lạc.
Về phía nhà trường:Thầy cô đôi lúc sử dụng các biện pháp kỷ luật thái quá; sự lạm dụng quyền hạn của các thầy cô giáo cùng với sự thiếu gương mẫu trong mô phạm giáo dục; việc đánh giá kết quả, khen thưởng, kỷ luật thiếu khách quan và không công bằng… đều có ảnh hưởng đến kết quả quá trình giáo dục đạo đức cho HS.
Về phía xã hội:Mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giáo dục đạo đức HS như có lối sống thực dụng, thiếu ước mơ và hoài bão… Thêm vào đó, sự tiếp cận văn hóa thiếu chọn lọc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng làm ảnh hưởng đến những quan điểm về đạo đức gia đình, tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì lứa tuổi này là giai đoạn các em đang đầy mơ ước, tính tò mò cao đối với thế giới rộng lớn, khó tránh khỏi có những cách làm không phù hợp với thực tế cuộc sống. Việc tạo ra sự khác biệt, thể hiện cá tính của mình, các em thể hiện cá tính riêng trong một thế giới riêng rộng lớn hơn, tự do hơn.
Để quá trình giáo dục đạo đức HS đạt kết quả, chủ thể giáo dục cần chú ý đến những vấn đề sau: Một là, cha mẹ trong giáo dục đạo đức con cái nên dùng phương pháp noi gương. Giải thích phải gắn với làm gương, tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho con cái bắt chước. Nói về vấn đề này, Bác Hồ cho rằng: “Một tấm gương sáng hơn vạn lời nói suông, hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. (HCM, toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H, 1995, tr 623). Tình yêu thương của cha mẹ cần phải có một chút thầm kín, không nuông chiều quá thể, cần có lí trí, có tầm nhìn xa và nhận thức sâu sắc thì mới gọi là có trách nhiệm thực sự đối với sự trưởng thành của con cái… Hai là, ở trường trong quá trình học tập và hoạt động cùng nhau các em HS không tránh khỏi những mâu thuẫn, va chạm nhỏ, có những việc làm chưa đúng… những lúc như vậy các thầy cô giáo nên dùng phương pháp thuyết phục. Thuyết phục là một phương pháp giáo dục để các em khắc phục những việc sai lầm, phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm. Các thầy cô thuyết phục phải kiên trì, phát huy tính tích cực của các em, thuyết phục phải hiểu biết sâu rộng, có nghệ thuật khéo léo, tế nhị và kiên nhẫn. Những phương pháp giáo dục quá vội vàng, nôn nóng, thiếu gương mẫu chỉ làm cho các em không tiếp thu thông suốt, còn kết quả thì không đạt được như mong muốn. Ba là, trong môi trường xã hội do nội dung đạo đức xã hội quá rộng lớn, nếu không có giá trị chủ đạo rất dễ trở thành những nội dung vụn vặt. Cho nên, nhà giáo dục căn cứ vào những yêu cầu hiện đại hóa xã hội để tiến hành xây dựng chương trình giáo dục đạo đức phù hợp hướng vào ba nội dung: Đạo đức gia đình là nền tảng, nhà trường là cơ bản và xã hội là cần thiết. Vì ngày nay, giáo dục đạo đức đã trở thành quy phạm giáo dục hàng đầu.
ThS. Nguyễn Minh Trung (ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)