Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thí sinh còn nhiều băn khoăn

Tạp Chí Giáo Dục

Ban tư vấn giải đáp thắc mắc cho TS sau phần tư vấn chung

Thời điểm này, hầu hết học sinh lớp 12 cơ bản đã chọn được ngành nghề, trường học mà mình muốn đăng ký dự thi (ĐKDT). Tuy nhiên, những quy chế trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 thì không phải ai cũng nắm rõ.
Vì vậy, Trong buổi tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM), các chuyên gia tư vấn đã đi sâu vào quy chế để các em nắm vững trước khi bước vào phòng thi.
Nhiều điểm cần lưu ý
Mặc dù đã được giáo viên tư vấn kỹ khi làm hồ sơ ĐKDT nhưng nhiều năm qua có không ít hồ sơ bị gửi trả lại do thí sinh (TS) đăng ký nhầm mã ngành, mã trường… Tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tư vấn tuyển sinh (Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM), chỉ rõ các lưu ý chính như: Mỗi hồ sơ dự thi của TS chỉ tương ứng với một nguyện vọng, không có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. TS nào muốn ĐKDT tại trường có tổ chức thi tuyển thì bỏ mục 3, còn TS nào đăng ký tại trường không tổ chức thi tuyển thì sau khi ghi xong mục 2 (tên trường có tổ chức thi) không ghi mã ngành mà phải ghi rõ ở mục 3 tên trường, mã ngành, khối thi… mà các em muốn vào học, khối thi ở mục 2 và 3 nhất thiết phải giống nhau.
Ngoài ra, một vấn đề cũng được nhiều TS quan tâm là đề thi sẽ ra như thế nào? “Đề thi sẽ bám sát chương trình THPT, cơ bản là lớp 12. Nội dung đề có hai phần, phần chung sẽ dành cho tất cả TS, phần riêng TS lưu ý là chỉ chọn làm một trong hai theo chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao”, ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.
Tại các kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua, nhiều TS đã bị đình chỉ thi do các em chưa nắm rõ quy chế thi tuyển. ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Trung tâm Tư vấn Ý tưởng Việt) chia sẻ: “Để tránh tâm lý căng thẳng trước khi vào phòng thi, các em cần nắm rõ các quy chế thi. Có trường hợp TS cứ nghĩ là đã tắt nguồn máy điện thoại nhưng chuông báo thức vẫn reo dẫn đến vi phạm quy chế thi. Hay trường hợp khác dù đã để điện thoại ở chế độ rung nhưng khi nộp bài thi xong các em mở máy ra xem tin nhắn thì cũng vi phạm…”. Vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ thêm: “TS tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi vì dù sử dụng hay không cũng bị đình chỉ thi. Trong các vật dụng được mang vào phòng thi, các em cần lưu ý là máy tính không được có thẻ nhớ và chức năng soạn thảo văn bản. Ngoài ra, để chống tình trạng quay cóp trong thi cử, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng thiết bị này phải không nghe, không nhìn được trực tiếp và không có khả năng truyền tin ra ngoài”.
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
Bên cạnh các quy chế trong kỳ thi ĐH, CĐ, một trong những vấn đề mà hiện nay TS rất quan tâm vẫn là ngành nào sẽ hút nhân lực trong tương lai. Mặc dù năm nay Bộ GD-ĐT đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành của khối ngành kinh tế như tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán nhưng sức hút của các ngành này vẫn chưa giảm đối với TS.
Theo các chuyên gia tư vấn, ở bất cứ nghề nào các em cũng sẽ có việc làm nếu chịu khó học hỏi, khi ra trường có thể bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất nhưng từ những việc này sẽ giúp các em tích lũy được kinh nghiệm để hướng tới một tương lai tốt hơn.
ThS. Nguyễn Anh Vũ (Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho hay: “Các em không nên quá lo lắng vì nếu các em thực sự giỏi và chịu khó thì ở bất cứ ngành nghề gì cũng được tuyển dụng và trả lương cao. Chẳng hạn như học quản trị kinh doanh ra, các em khó được làm sếp ngay lập tức mà phải chịu khó làm những công việc nhỏ nhất như phát tờ rơi, thư ký văn phòng… để tích lũy kinh nghiệm rồi mới được thăng tiến thành những nhà quản lý giỏi hay tự mở doanh nghiệp riêng…”.
Một số em nữ sinh thích làm những nghề dường như chỉ dành cho nam vẫn còn phân vân vì chịu áp lực từ bạn bè, gia đình. Nguyễn Dư Tuyết Nhi (học sinh lớp 12A11) hỏi: “Em thích học ngành quản lý công nghiệp ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng bố mẹ và bạn bè cho rằng ngành này chỉ hợp với nam, em có nên ĐKDT hay không?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Trần Từ Duy (Chuyên viên tư vấn tuyển sinh ĐHQG TP.HCM) phân tích: “Đặc thù công việc của ngành này là làm trong môi trường nhà máy, xí nghiệp. Nếu em có niềm yêu thích thì sẽ làm tốt chứ không có sự phân biệt nam hay nữ. Tuy nhiên, nữ thường có ưu thế về việc làm cao hơn nam vì số lượng sinh viên nữ ngành này rất ít”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)