Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Chỉ mong có mì tôm cho các em ăn sáng”

Tạp Chí Giáo Dục

“Mong có một chương trình hỗ trợ mì tôm cho các em ăn sáng là điều quá mừng rồi, bởi các em phải nhịn đói tới tận trưa mới được ăn”, đó là tâm sự và cũng là một ước muốn bình dị của thầy hiệu phó Trường THCS Lơ Pang.

Ở cái thời giá cả tăng cao, 3.000 đồng chưa đủ mua một bó rau, vậy mà lâu nay hơn 60 học sinh nội trú Trường THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai) đã và đang sống chỉ với chưa đầy 3.000 đồng/bữa ăn.
Lơ Pang là một xã nghèo vùng 3 của huyện Mang Yang với hầu hết là người dân tộc Bahnar sống chủ yếu bằng nghề nông. Vì hoàn cảnh khó khăn nên hầu hết trong số 268 học sinh của trường đều phải nhịn ăn sáng, đi bộ vài km đường đồi núi để đến trường. Trong đó có hơn 60 học sinh đến từ 3 làng A Lao, Bờ Dầu và Đắk Lá, với khoảng cách từ nhà đến trường chừng 10km đường đồi núi. Đặc biệt, để vào và ra được làng Bờ Dầu không phải là đơn giản, bởi đây là ngôi làng được bao bọc bởi những dãy núi cao, phải đi bộ vào rất khó khăn, làng lại nằm sâu phía dưới nên nơi đây không hề có sóng điện thoại.
Bữa cơm chỉ 3 món cơm, canh, cá nục muối kho mặn luôn "đồng hành" quanh năm với học sinh trường THCS Lơ Pang.

Những khó khăn trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện học của các học sinh trong làng. Không phương tiện đi lại, đường xá khó khăn, quãng đường đến trường khá xa, lại phải nhịn đói đi học nên nhiều em đã nản chí bỏ lại con chữ. Trước tình hình trên, vì thương học trò của mình, muốn các em được tiếp tục đến với con chữ, toàn thể các thầy, cô giáo trong trường vài năm trở lại đây đã tìm mọi cách để nuôi những học trò nghèo của mình.
Điều may mắn nhất trong kế hoạch nuôi trò của những thầy cô gieo chữ nơi đây đó là trong hơn 60 em học sinh được ăn ở tại trường, có 40 em hàng tháng nhận được 90 nghìn/học sinh, tiền ăn của Phòng Giáo dục huyện hỗ trợ bữa ăn cho các em theo hình thức bán trú.

ậy là từ số tiền 3 triệu 600 nghìn đồng này, các thầy cô cùng chị cấp dưỡng của trường đã dày công tính toán cho từng bữa ăn của những học trò nghèo, để làm sao chỉ chừng đó tiền có thể mua đồ ăn cho học sinh của mình trong vòng một tháng. Việc giúp các em có những bữa ăn đủ chất, hay có món “lạ” là chuyện nằm ngoài tầm với vì tài chính có hạn. Sau khi tìm thăm dò giá cả, 2 món chủ đạo được chọn làm những món ăn “đồng hành” cùng các em trong mỗi bữa trưa, chiều là cá nục ướp muối mặn phơi khô bán ngoài chợ và món canh “đại dương”.

Chừng nấy tiền để mua thức ăn hàng ngày cho hơn 60 em học sinh là chuyện không hề đơn giản, trong khi những khó khăn trước mắt vẫn còn “trùng điệp”. Rồi gạo ăn nữa, với đồng lương ít ỏi của những giáo viên vùng sâu, việc nuôi gia đình cũng còn gặp nhiều trở ngại, các thầy cô đành phải nhờ đến chính quyền xã. Và một bài toán nữa được đưa ra, đó là xã sẽ giúp nhà trường vào mùa thu hoạch nông sản, động viên các chủ hộ góp mỗi người 50 nghìn đồng để mua gạo nuôi con em mình.
Trước những nỗ lực trên của toàn thể giáo viên, bà con đã gật đầu ủng hộ. Nhưng 50 nghìn đồng đối với những gia đình nghèo nơi đây có được để nộp cũng không phải là dễ. Chính vì vậy, hàng tháng các giáo viên phải mua chịu gạo, rồi cuối năm cán bộ xã sẽ “ra quân” đi thu mỗi hộ 50 nghìn đồng để giao lại cho các thầy cô đi trả nợ tiền mua gạo.
Do nhịn ăn sáng nên vừa vào bàn ăn các em ùa vào ăn một cách ngon lành.
Thầy Thương, hiệu phó nhà trường, cho biết: “Có lúc thiếu đồ ăn, các em phải mang thêm đồ ăn ở nhà lên như rau, củ để phụ thêm vào bữa ăn ở trường”.
Ngoài bữa ăn thiếu chất, quanh năm chủ yếu ăn 3 món cơm, canh, cá nục khô mặn thì những học trò nơi đây còn phải nhịn ăn sáng ngồi học cả buổi. Chính vì vậy, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu bài của các em khi cái bụng lúc nào cũng réo lên vì đói. Bởi vậy mà đến giờ ăn cơm, các em ùa vào mâm, tự tay bới cơm cho mình và ăn những món ăn quen thuộc, nhưng các em ăn một cách nhanh lẹ, ngon lành. Có lẽ một phần vì quá đói, phần vì nếu không ăn thì cũng chẳng có cái gì khác mà ăn, và biết đâu được với các em những món ăn như thế này cũng chỉ lên trường mới có chứ ở nhà thì…
Quả thật là như vậy, khi chúng tôi được em Thom, học lớp 7B tâm sự, mỗi sáng em phải nhịn đói đi học, đến 12 giờ trưa Thom mới về nhà và được ăn cơm. Bữa ăn của gia đình Thom nhiều lúc không có rau ăn, Thom và gia đình mình phải ăn cơm không hoặc cơm với lá mì (sắn) hái ngoài rẫy. Vất vả là vậy, nhưng sau khi đi học về, chiều lại Thom phải đi làm rẫy, nhổ cỏ cho mì, và 5 giờ sáng phải dạy để chuẩn bị đi học.
Khi PV hỏi, phải nhịn đói cả buổi để ngồi học em đói lắm không? Cậu học trò với thân hình gầy gò gượng gụi gật đầu và lí nhí trả lời “em cũng đói nhưng đói một xíu thôi vì nhịn quen rồi chị ạ”. Khó khăn là vậy, nhưng Thom luôn là học sinh khá của trường.
Vì cái đói, cái nghèo luôn đem bám, không chỉ thể hiện trên bữa ăn của các em học sinh mà còn ở những bộ quần áo các em mặc tới trường, khi quanh năm chỉ độc nhất 1 đến 2 bộ quần áo cũ, rách. Thương học trò không có quần áo đến trường, các thầy cô nơi đây lại phải vận động quyên góp quần áo cũ cho các em, hay san sẻ quần áo của mình cho học trò.
Và một ước muốn bình dị nhưng lại xa với với cả thầy và trò nơi đây là: “Đời sống của các em đại đa số còn nghèo nhiều, ăn uống không đảm bảo, hầu như đều đói, các em phải nhịn ăn sáng đi học. Mong có một chương trình hỗ trợ mì tôm cho các em ăn sáng là điều quá mừng rồi, bởi các em phải nhịn đói tới tận trưa mới được ăn”, thầy hiệu phó trải lòng.
Thiên Thư
(Dân trí) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)