Trong bộ sách Văn ở lớp 4 do nhóm Cánh Buồm soạn thảo có đưa bài thơ “Qua đèo Ngang” để học sinh học về bố cục. Nhiều nhà giáo dục tại TPHCM e ngại điều này đang già hóa trẻ em, đi lệch với mong muốn của nhóm là lấy người học làm trung tâm.
Ngày 14/4, hội thảo “Một cánh buồm – Một nhà trường hiện đại” diễn ra tại TPHCM để lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục về việc soạn chương trình và sách giáo khoa (SGK) bậc tiểu học ở các môn Văn, Tiếng Việt và Lối sống do nhóm Cánh Buồm thực hiện. Nhóm nghiên cứu về giáo dục hiện đại này ra đời cách đây 3 năm do nhà giáo Phạm Toàn cùng với khoảng 20 nhà giáo tâm huyết lập ra.
Hầu hết các ý kiến đều chia sẻ sự đồng cảm về tâm huyết, mong mỏi của nhóm – mà dẫn đầu là nhà giáo Phạm Toàn – dành cho giáo dục nước nhà. Tuy nhiên việc đưa bộ sách áp dụng vào thực tế thì cần nhiều vấn đề phải cân nhắc.
TS Bùi Trân Phượng góp ý bộ sách cần thêm nhiều tranh luận.
Theo thông tin của nhóm Cánh Buồm, tháng 10 tới sẽ cho ra mắt bộ sách Văn, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó sách lớp 1 đến lớp 4 đã được hoàn thiện. Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, nhà giáo tại TPHCM cho rằng bộ sách còn nhiều vấn đề cần tranh luận. Trong đó nổi cộm nhất là việc đưa bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan vào sách môn Văn lớp 4.
TS Nguyễn Thị Từ Huy (nghiên cứu viên cơ hữu, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) đặt câu hỏi: "Trước đây bài thơ “Qua đèo Ngang” được dạy ở lớp 9, hiện được đưa xuống lớp 7, nhiều GV dạy Văn là bạn của tôi chia sẻ bài thơ rất khó với HS lớp 7. Bây giờ lại đưa vào sách lớp 4 để chuyển tải bố cục đề – thực – luận – kết liệu có quá khó không, các em có khả năng để lĩnh hội?".
TS Bùi Trân Phượng – hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết bà hoài nghi việc chọn bài thơ “Qua đèo Ngang” vào sách lớp 4 không ở góc độ kỹ thuật ở vấn đề căn cơ người dạy nghĩ rằng bố cục thơ Đường là bố cục chặt chẽ, trong sáng nhất. Đó là quan điểm của người dạy chứ với đứa trẻ 9 tuổi thì thế nào?
“Bài thơ "Thằng Bờm" cũng có bố cục, còn không cứng bằng bố cục thơ Đường vì tự do tư duy bởi câu kết bất ngờ. Liệu có đáng học? Nhất là khi nó hấp dẫn, dễ hiểu với đông đảo trẻ em?”, bà Phượng gợi ý.
Cần tranh luận tiếp
Trái ngược với nội dung quá khó ở lớp 4, nhiều ý kiến cho rằng đến lớp 5 HS mới được học về các loại hình nghệ thuật như tô màu, vẽ, múa… là quá muộn vì ở mẫu giáo các em đã được học. Như vậy liệu có hạn chế tư duy của HS?
Họa sĩ Phạm Cung nhận xét: “Người lớn muốn đánh giá được trẻ em thì phải nắm được tốc độ văn minh của trẻ em ngày nay. Các em bây giờ hơn thế hệ trước rất nhiều”.
Hơn nữa việc chia nội dung mỗi lớp học một chủ đề trong môn Tiếng Việt như sách lớp 1 dạy ngữ âm, lớp 2 học từ vựng và sự biến hóa của từ vựng, lớp 3 học câu, đi sâu phân tích hai mặt logic và cú pháp của câu… nhiều ý kiến cho rằng cũng chưa ổn khi chẳng lẽ cả năm bắt em học một nội dung đó?
Ngoài ra, cách dạy sáng tạo theo nhóm Cánh Buồn đề cập như chỉ tay lên thể hiện dấu sắc, chỉ xuống để nói dấu huyền đúng là vui hơn lớp học chúng ta đang chứng kiến hàng ngày. “Nhưng thực tế, khi đứa trẻ 6 tuổi ngày nay đến trường nhiều em đã đọc báo trôi chảy mà bắt các em phải phân tích sắc là gì, huyền là gì hỏi sao làm được?”, một nhà giáo băn khoăn.
Bà Bùi Trân Phượng bày tỏ, bản thân bà rất thán phục đối với đội ngũ biên tập đã dốc hết tấm lòng, tâm huyết, suy nghĩ của mình trong suốt bao năm để tìm ra hướng đi cho giáo dục tiểu học. Nhất là tinh thần muốn khơi dậy sự chủ động, sáng tạo coi người học là chủ thể khi mà bộ SGK hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng qua nội dung bộ sách, vẫn còn thấy thấp thoáng câu mẫu, bố cục mẫu, kiểu tư duy mẫu ở trong cách dạy đoạn Văn. Chẳng lẽ chúng ta chỉ có một kiểu tư duy để dạy trẻ em?
Vì chính tâm huyết đó, bà Phượng nhấn mạnh những người biên soạn: hãy lắng nghe các ý kiến để có thể tự đặt lại câu hỏi với chính mình, để có được sự tỉnh táo nhất vì bộ sách rất cần các thảo luận, đóng góp…
Hoài Nam
(Dân trí)
Tin liên quan
Với Nguyễn Trần Thảo Nhi, sinh viên lớp 20CNH02, Khoa NN&VH Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng,...
Đuối nước từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em mỗi năm,...
Lớp học số được TP.HCM thí điểm không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học cho các...
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn thể dục trước đây được gọi là môn giáo dục thể chất. Môn...
Bình luận (0)