Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngạc nhiên “làng đại học” bên bờ sông Đuống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nằm cách bờ sông Đuống hiền hòa chỉ vài trăm mét, làng Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) trông thật nhỏ bé, khiêm nhường. Thế nhưng ngôi làng này lại vô cùng nổi danh với một tên gọi mà mọi người trân trọng đặt cho: làng Đại học. Hẳn học trò vùng này học “siêu” phải biết?

Mang thắc mắc suốt bao nhiêu ngày quẩn quanh vùng Kinh Bắc, tôi quyết định tìm về Thuận Thành một ngày đầu đông… 
Chân dung cô bạn Mão Điền học giỏi ở trường
Bán đất cho con đi học
Chỉ hai người con Quang Ngọc (lớp 12A1) và Ngọc Ánh (lớp 11A8, THPT Thuận Thành 1) vừa mới tan học về, chị Phương chủ quán nước đầu chợ Điếm Ba tự hào: “Chị đang làm ăn rất tốt ở Điện Biên nhưng nhất quyết bỏ tất cả để về làng này mua đất cất nhà, với mong ước hai con có một môi trường học tập tốt nhất”. Chị khoe Ngọc được vào lớp chọn trường THPT Thuận Thành 1, còn Ánh dù sức khỏe kém nhưng cũng là học sinh giỏi. Lòng tin và sự hi sinh của người mẹ này không phải không có lí khi tôi nhớ lại lời thầy Hiền (hiệu phó trường THPT Thuận Thành 1) hồ hởi: “Tất cả học sinh lớp chọn ở đây đều thi đậu tốt nghiệp, còn tỉ lệ vào Đại học Cao đẳng năm nào cũng chiếm gần hết lớp”.
Học trò "Làng Đại học" tan trường.
Không riêng chị Phương, nhiều gia đình ở các tỉnh khác nghe danh làng Mão Điền cũng háo hức về đây mua đất cất nhà chỉ để con mình được gia nhập “làng Đại học”. Ở đây đất chật người đông, công việc nhà nông thu nhập chẳng là bao, nhiều gia đình rất nghèo khó, suốt ngày đầu tắt mặt tối làm thuê nhưng chẳng bao giờ cho con nghỉ học. Gia đình bà Háng, ông Hoàng… nghèo khó vô cùng nhưng cả 5 người con đều đỗ đạt cao. Thậm chí có gia đình “rặt nông dân” nhưng con cái đều mang học vị tiến sĩ, thạc sĩ.
Cả xã với hơn chục ngàn dân nhưng mấy năm qua chưa hề có trường hợp học sinh bỏ học. Anh Thanh cười: “Học trò hiếu học khiến làng cũng được thơm lây. Giờ đi đâu mà bảo mình ở làng Mão Điền, ai cũng nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ, hì…”
Nếu như năm 2000, Mão Điền chỉ có 70 học sinh đỗ ĐH, CĐ thì con số tăng đều mỗi năm, 2001: 71, 2002: 78, 2003: 91, 2004: 98, 2005: 110, 2006: 213,
2007: 145, 2008: 197 đặc biệt theo thống kê sơ đến tháng 9/2009 toàn xã đã có 235 học sinh đỗ ĐH, CĐ trên các trường cả nước tăng gấp ba lần so với năm 2000.
Chân dung học trò “làng Đại học”
Tôi ngỏ ý muốn gặp vài gương mặt hiếu học của làng thì được anh Hoàn (bí thư Đoàn xã) cho biết học trò làng này gần như đi học suốt ngày. Bạn ở trường, bạn khác ở lớp học thêm, cũng có bạn ra đê “văn ôn võ luyện” nên muốn gặp cũng không dễ chút nào. Cũng may mà trên đường trở về, tôi gặp hai chị em Vũ Thị Thúy (lớp 10) và Vũ Hồng Ngọc (lớp 11, THPT Thuận Thành 1) đang cùng nhau học bài. Ba mẹ đi làm ăn xa lâu mới về, nên hai chị em ở với ông bà nội. Ông bà khoe Ngọc vừa giành giải nhất học sinh giỏi Văn huyện còn Thúy giải nhất Toán huyện và tỉnh, rồi mang hàng xấp giấy khen học sinh giỏi nhiều năm liền của cả hai chị em ra cho tôi xem. Thúy và Ngọc bẽn lẽn toan giấu những bằng khen ấy đi: “Chị em mình học cũng tàm tạm thôi mà. So với các bạn ở đây thì có là gì đâu…”. 
“Bật mí” làng hiếu học
Chú Vũ Trọng Hùng (chủ nhiệm Hội khuyến học xã Mão Điền) cho biết trong bản đồ Kinh Bắc xưa, làng Mão Điền chẳng chút tiếng tăm vì chưa hề sinh ra một học trò khoa bảng nào. Cũng từ cái nghèo khó, đời sống ngày càng bế tắc nên lãnh đạo xã cùng tất cả ban ngành bắt tay đề cao sự học để mong thay đổi bộ mặt làng xã. Các Hội khuyến học ra đời như nấm mọc sau mưa. Học sinh ở làng giành học sinh giỏi sẽ được nhận rất nhiều sự “tiếp sức” từ Đoàn, chi hội xã, dòng họ…, được xướng tên rất “oách” trên đài phát thanh xã.
Hiện tại, Mão Điền có 60 dòng họ thì hơn phân nửa đã có Hội khuyến học. Mới đây, trong chuyến về thăm Bắc Ninh, Phó chủ tịch nước – Nguyễn Thị Doan nghe tiếng Mão Điền đã đến thăm và động viên học trò “làng Đại học”. Đó là một niềm vinh dự lớn lao của cả làng.
Ở làng này, người lớn gặp nhau thì sau câu chào sẽ là lời hỏi thăm con cháu học hành đỗ đạt ra sao, còn với tuổi teen thì bạn đã có thành tích gì chưa. Bạn Minh Nguyên (lớp 11A12, THPT Thuận Thành 1) tiết lộ: “Ở làng mình, bạn bè thường hay bảo nhau dù nhà bạn giàu đến mấy, ba mẹ làm lớn đến đâu mà học hành không giỏi giang thì cũng là số… 0”. Cậu bạn đang đảm nhiệm chức lớp phó học tập này cũng vừa giành giải thưởng “Sân chơi đất học Kinh Bắc”.
Theo Mực Tím 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)