Tại rất nhiều bản làng vùng cao của H.Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), từ những lương y có tiếng cho đến những thầy lang người Vân Kiều đều sử dụng lá cây từ bi như một thứ bảo bối trị bách bệnh. Chiếc lá còn lại có tên là A năng, công dụng của nó chưa biết tới đâu, nhưng những câu chuyện đồn thổi về nó nhiều vô kể…
Mầu nhiệm lá từ bi
Thổi là tiếng lóng do bà con vùng cao đặt cho cách chữa bệnh thần bí nhưng lại rất phổ biến. Chẳng biết cách chữa bệnh và cái tên đó có từ bao giờ nhưng hễ đau ốm các bệnh có liên quan tới xương khớp thì đồng bào lại tìm đến nhà các “thầy” để nhờ thổi cho. Mỗi lần thổi, thầy lang chỉ chuẩn bị 2 thứ, đó là chai rượu cúng và lá cây từ bi. Chứng kiến tận mắt kiểu chữa bệnh có một không hai này ắt hẳn nhiều người “văn minh” sẽ không nhịn được cười. Nhưng sau nụ cười đó, bạn sẽ tiếp tục trố mắt, há miệng khi biết hiệu nghiệm từ những hành động có phần ma mị đó là có thật.
Ông Hồ Văn Rây dùng lá từ bi để trị gãy chân cho anh Trần Ngọc Quỳnh – Ảnh: Nguyễn Phúc |
Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam đã được tái bản rất nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng của vị giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi thì cây từ bi thuộc họ cúc, có nhiều tên gọi khác là băng phiến, long não hương, mai hoa não, ngãi phiến, đại bi. Cây từ bi được phân bố khắp nơi, thường mọc thành bãi ở nơi có ánh nhiều ánh sáng, cây cao từ 1,5 đến 2,5 m. Cũng theo sách này thì lá từ bi chủ yếu được dùng để chữa cảm sốt, chữa ho, trừ đờm, đầy bụng không tiêu… Còn băng phiến được chiết xuất từ lá này có vị cay, đắng, có tác dụng sáng mắt, chữa đau bụng, ho lâu ngày, đau răng, bôi vào chỗ lở loét…
Trong thực tế, đồng bào vùng cao sử dụng lá từ bi tưởng như có thể chữa…bách bệnh, đặc biệt là trong việc thổi các bệnh về xương khớp, gãy chân tay. Lương y Trương Đình Ý, Phó chủ tịch Hội y học cổ truyền H.Hướng Hóa chia sẻ, hiện nay Hội có 140 hội viên, một phần ba trong số đó là người Vân Kiều Pa Kô và hầu hết họ đều dùng lá từ bi như bảo bối. Từ bi là một loại cây nhỏ bé, chẳng có gì nổi bật nếu như ta không chạm vào nó, lấy tay vò nhẹ sẽ toát ra một mùi thơm lạ lùng. “Có khi phải mất cả ngày mùi thơm đó mới tản đi hết. Thú thực tôi là người trong nghề nhưng cũng chưa hiểu hết sự màu nhiệm của lá cây từ bi, nên chăng anh nên tìm đến những thầy lang trong bản để hỏi mới cặn kẽ được…”- ông Ý nói.
Theo sự giới thiệu của vị lương y, tôi đi tìm nhà ông Hồ Văn Rây (khóm 5, thị trấn Khe Sanh), quả nhiên, với tài thổi của mình ông Rây rất nổi tiếng và cũng được bà con kính trọng. Ông Rây là công an về hưu, dù là một tay ngang trong nghề y nhưng tên tuổi của ông vang rất xa, người ta vẫn nói ông đi Sài Gòn, Hà Nội chữa bệnh luôn, xuôi về Đông Hà như đi chợ, nhiều vị lãnh đạo và những người giàu có cũng phải đến cầu cạnh ông. “Độc chiêu” của ông Rây chính là chữa bệnh về thoái hóa đốt sống, gai cột sống, gãy xương, có nhiều ca bệnh viện trả về ông vẫn chữa được.
Lúc tôi đến, ông Rây đang “thổi” cho anh Trần Ngọc Quỳnh (35 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh). Anh Quỳnh bị tai nạn gãy chân, chỉ đến bệnh viện để cố định vết thương sau đó ông Rây tiến hành thổi bằng lá từ bi và rượu. “Hôm đầu tiên lên tôi chỉ nằm bất động, sau một tuần thì đã cử động được các ngón chân, ông Rây nói thêm 10 ngày nữa là khỏi…”- anh Quỳnh tin tưởng.
Hỏi cặn kẽ thì ông Rây vẫn quyết giấu nghề, không chịu giải thích gì, chỉ lấy rượu thổi phù phù rồi lấy lá từ bi phết phết lên vết thương. Nhìn vậy, nếu ai là người “bình thường” thì chắc sẽ phải hoài nghi, nhưng trớ trêu đa số người bệnh đều coi ông là ân nhân cứu mạng. Và không chỉ riêng ông Rây mà có rất nhiều thầy lang của bản khác như ông Hồ Vế (xã Tân Liên), ông Hồ Cù (bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo), bà Hồ Thị Năm (thị trấn Khe Sanh) đã chữa bệnh nhiều năm với chiếc lá từ bi. “Nếu có kinh phí và ai đó nhiệt huyết bỏ công nghiên cứu sâu hơn về lá từ bi và cách “thổi” bằng rượu và lá từ bi thì thật tốt…”- ông Ý khơi gợi.
Chiếc lá tránh thai
Lá A năng từ lâu đã trở thành một huyền thoại, không chỉ có sức hút đối với đồng bào vùng cao mà còn gây sự tò mò cực độ cho những người miền xuôi. A năng không dễ kiếm, nhưng từ ngàn xưa người Pa Kô Vân Kiều đã biết đến chiếc lá có công dụng như thuốc tránh thai. Như câu chuyện kể, những người mẹ vùng cao tối tối lại trao cho đứa con gái đang tuổi dậy thì chiếc lá A năng để chúng còn kịp đi sim, đi hội…
Tương truyền, lá A năng thường được đeo ở cổ khi “quan hệ”, con trai hay con gái đều đeo được và rất hữu dụng. Ông Kôn Văn (68 tuổi, thị trấn Khe Sanh) ngượng nghịu nói: “Nói ra thì xấu chứ ngày xưa mỗi tối đi sim, người ta đều đeo lá A năng chứ không phải như bây giờ. Chỉ cần có A năng bên mình là chúng tôi có thể tự tin và không sợ xảy ra chuyện gì để dân làng bắt vạ…”. Lá A năng còn có tác động mạnh đến độ, nếu người đang mang bầu khi tiếp xúc với chiếc lá này cũng có nguy cơ sẩy thai rất lớn. Ngày nay, cây A năng vẫn được đồng bào trồng trên các đỉnh núi cao chót vót, tuy không phổ biến như trước nhưng vẫn có người sử dụng như “bùa hộ mệnh”. Tại thị trấn Khe Sanh, có thể tìm thấy loài cây có chiếc lá kì lạ này ở nhà lương y Nguyễn Quang Tám (Chủ tịch hội y học cổ truyền H.Hướng Hóa) và nhà bà Hồ Thị Năm (thị trấn Khe Sanh).
Cũng theo tìm hiểu của PV, do hấp lực của chiếc lá kỳ lạ này mê hoặc, năm 1995, bác sĩ Dương Quát, nguyên Chủ nhiệm ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Trị đã đứng ra triển khai nghiên cứu đề tài “Cây A năng ứng dụng trong kế hoạch hóa gia đình” và được UBND tỉnh cho phép. Việc nghiên cứu đã có tiến triển và có được nhiều thành công bước đầu như phân loại ra được cây A năng suất có tác dụng tránh thai, cây A năng tuồng gây sẩy thai, cây A năng đất gây vô sinh…Vào thời điểm này, việc nghiên cứu lá A năng cũng đã gây xôn xao dư luận trong giới khoa học và người dân địa phương. Tuy vậy, mọi việc đã không đi đến đích. Tâm sự với PV, ông Quát nói công trình đã bị dừng lại trong một thời gian khá dài, phần vì kinh phí để làm tiếp là quá lớn… Còn bác sĩ Nguyễn Thị Hương (Phó chủ tịch Hội đông y tỉnh Quảng Trị) cũng thừa nhận công trình nghiên cứu về lá A năng đã không thu được kết quả như mong muốn.
Còn đó nhiều nguyên nhân uẩn khúc nhưng theo cách lý giải của người dân vùng cao thì có thể vì A năng chỉ thuộc về vùng rừng núi Trường Sơn, đưa A năng về trồng dưới xuôi thì Giàng quở trách, lá A năng hết hiệu nghiệm…Cách lý giải này như càng tăng thêm sự huyễn hoặc của chiếc lá kỳ lạ này…
Theo TTO
Bình luận (0)