Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Con ghét đi học”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Mặc cho mọi nỗ lực, khuyến khích của ba mẹ, nhiều trẻ đến tuổi đi học mầm non vẫn lo sợ và không thích đến trường. Và không ít bậc cha mẹ bối rối, đôi lúc kiệt sức với nước mắt, tiếng gào thét của trẻ mỗi khi đưa trẻ đi học.
Nếu phụ huynh nào rơi vào hoàn cảnh tương tự, hãy tìm cách giải quyết vấn đề ngay lập tức. Sự chần chừ (nghĩ rằng những biểu hiện ấy sẽ tự hết theo thời gian) là sai lầm, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tinh thần của bé.
Để trẻ đi học vui vẻ như thế này, phụ huynh cần quan tâm và giải quyết kịp thời những khúc mắc của trẻ – Ảnh: H.HG
Trước hết, bạn cũng nên biết rằng phần lớn trẻ tuổi này đều có sự miễn cưỡng ở mức độ nào đó khi phải xa người thân để đến một môi trường mới lạ. Ngay cả khi đã quen với trường, trẻ cũng đôi lúc biểu hiện muốn được ở nhà. Lý do có thể do bé mệt mỏi, không thích một giờ học nào đó khi bản thân không làm được như các bạn hoặc chỉ đơn giản là ở nhà để được xem chương trình truyền hình yêu thích.
Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ cứ luôn khăng khăng, la hét mỗi khi nhìn thấy cổng trường lại là một vấn đề quan trọng cần được các bậc cha mẹ lưu tâm.
Dưới đây là một vài lý do phổ biến:
– Bất hòa với bạn.
– Gặp khó khăn để theo kịp bạn bè trong học tập, vui chơi (không hiểu luật chơi nên các bạn không chấp nhận) từ đó thiếu tự tin.
– Bị chọc ghẹo, chê cười (về hình thức bên ngoài chẳng hạn).
– Khó kết bạn mới.
– Không thích cô giáo, bảo mẫu của lớp.
– Sợ hãi khi dùng nhà vệ sinh lạ.
– Không thích các bữa ăn hoặc bị ép ăn khi đã no.
Giúp trẻ thế nào 
Nếu con của bạn luôn hoảng loạn bất cứ khi nào nhìn thấy bóng dáng trường học, hãy nghĩ đến các đề xuất sau:
– Hỏi xem điều gì ở trường làm trẻ buồn. Nói chuyện về những sinh họat ở trường như: bạn bè, trò chơi, các bữa ăn, đi vệ sinh, thầy cô giáo hay người phục vụ trong trường.
– Bạn cũng nên thường xuyên hỏi về những trò chơi, bạn bè yêu thích để trẻ chia sẻ cảm xúc tích cực ở trường.
– Nói chuyện với giáo viên của bé: bạn nên hẹn gặp giáo viên vào thời điểm thích hợp để có thể giải thích về những lo lắng của bạn và lắng nghe những quan sát của giáo viên về tình hình bé ở lớp.
– Hãy thay đổi vài thứ nếu thấy cần thiết. Ví dụ đổi bé sang nhóm chơi khác, giúp đỡ riêng của giáo viên trong một vài tuần, đi học muộn hơn hoặc đón về sớm hơn một chút…
– Giúp bé cảm thấy yên tâm yên tâm bằng cách tránh sự thay đổi đột ngột các thói quen đã có ở gia đình (ví dụ thói quen rửa tay trước khi ăn, xếp đồ đạc ngăn nắp… cần tập từ từ khi bé đến trường. Đồng thời, trước khi gửi trẻ, phụ huynh nên tập cho con các nề nếp trường mầm non yêu cầu). Bạn cũng có thể cho phép trẻ mang đồ chơi yêu thích đến  lớp như một người bạn thân.
– Bạn cũng nên yên tâm rằng trường mầm non đang thực hiện một chương trình mới, lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng môi trường sống và học gần với môi trường gia đình mà ở đó cô giáo giống như mẹ thứ hai của trẻ.
– Đảm bảo trẻ luôn đi học đều dù có vấn đề gì đi nữa. Tuy trẻ vẫn còn lo lắng, khóc lóc, nhưng với sự an ủi, động viên thường xuyên của người lớn (nhờ đã biết được nguyên nhân) mọi việc sẽ ổn và trẻ rồi cũng thích nghi.
– Nhưng đôi khi nguyên nhân lại bắt đầu từ gia đình của bạn. Các nhà tâm lý học phát hiện những vấn đề bất ổn trong gia đình có thể làm trẻ không thích đi học. Chúng lo sợ một cách vô thức rằng trong thời gian chúng ở trường chuyện gì đó không hay có thể xảy ra.
Một đứa trẻ tuổi mầm non có thể lo lắng, không an tâm vì một số lý do như: ông bà đang ốm nặng, ba mẹ cãi nhau, mẹ sinh em bé, đám ma hàng xóm… Vậy hãy xem xét tới các chuyện như thế nếu bé luôn khăng khăng không chịu đi học. Bé sẽ rất hài lòng khi được chia sẻ với ai đó về những lo lắng, sợ hãi của mình.
– Ngoài ra, sự so sánh về năng lực giữa trẻ nọ với trẻ kia (hoặc với anh chị em của bé), đặc biệt khi chúng được cho là nhanh nhẹn, thông minh hơn, cũng khiến trẻ chán học. Do vậy, cả cha mẹ lẫn giáo viên nên tránh so sánh một cách chủ quan, thiếu tế nhị, vô ích như vậy. Bạn nên biết rằng trẻ có thể không hiểu hết, nhưng chúng cảm nhận được. Vì khác với người lớn, nhận thức của trẻ là nhận thức cảm tính.
Khi trẻ đánh và cắn
Hành vi hung hăng này rất phổ biến ở trẻ tuổi nhà trẻ. Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu lý do và áp dụng các biện pháp dưới đây để hạn chế những đứa trẻ muốn gây chú ý.
Điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hành vi gây hấn ở trẻ nhỏ. “Hãy tìm mọi cách để hiểu trẻ cho đúng" – bác sĩ nhi khoa Ari Brown, tác giả cuốn sách về trẻ tuổi nhà trẻ ”Baby 411”, cho biết.
Dưới đây là một vài lý do cơ bản để bạn hiểu thêm về hành vi này của trẻ:
Sự hạn chế của ngôn ngữ
Trẻ tuổi nhà trẻ thường diễn đạt cảm xúc một cách đơn giản do sự hạn chế của ngôn ngữ nói. Thay vào đó, chúng thường đánh, cắn – nghĩa là dùng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp, diễn đạt nhu cầu, giành quyền tự khám phá hoặc đối phó với những ai ngăn cản quyền tự quyết đó.
Tự vệ
Thỉnh thoảng, ta phải thừa nhận rằng trẻ nhỏ có quyền tự vệ chính đáng. Có thể một đứa trẻ khác cắn nó trước. Kiềm chế, không đánh lại (mặc dù rất muốn) là điều không thể. Nói cách khác, ở trẻ chưa hình thành năng lực tự kiểm soát điều khiển hành vi của mình.
Tìm hiểu đồ vật bằng miệng
Ở lứa tuổi này, trẻ em thường dùng miệng để khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Đó là đặc điểm phát triển tâm lý bình thường. Ông Gretchen Kinnell – giám đốc Hội đồng Giáo dục và đào tạo Onondaga, bang New York – khẳng định: "Trẻ nhỏ thường bỏ bất cứ vật gì, kể cả tay hay chân của bạn để tìm hiểu thông qua cảm giác".
Thử nghiệm nguyên nhân và kết quả
Không có gì ngạc nhiên khi tất cả các đồ chơi của trẻ lứa tuổi này đều phát ra tiếng kêu. Trẻ thích khám phá những phản ứng xảy ra khi chúng đụng phải vật. Tương tự, chúng muốn biết, khi cắn bạn thì bạn sẽ phản ứng thế nào.
Tóm lại, trẻ đang thử nghiệm ảnh hưởng của chúng lên thế giới.
Cần không gian đủ rộng để vận động
Trẻ nhà trẻ chưa có cảm nhận chính xác về khoảng cách. Vì vậy, chúng luôn cảm thấy bị chật chội. Cắn, cào cấu, đẩy… bất cứ thứ gì ở gần và trên đường đi để có chỗ thoải mái mà bò, đi, chạy…
Đang muốn bệnh
Có thể trẻ đang đói, khó ở, mệt mỏi hoặc bị áp lực. Trẻ nhà trẻ chưa đủ khả năng chịu đựng sự khó chịu trong người. Thật dễ hiểu khi một đứa trẻ lên 2 tin rằng đánh, cắn là cách phản ứng bình thường với thế giới xunh quanh đầy khó hiểu và lộn xộn.
Nhiệm vụ của bố mẹ và giáo viên là gợi ý, lôi kéo trẻ từ từ ra khỏi các hành vi hung hăng thô bạo. Vậy phải làm cách nào?
Biện pháp 1: chỉ cần nói: "Không được!"
Khi có sự cố xảy ra, bạn chỉ cần nói nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn, rõ ràng. Một giọng nói khẳng định nghiêm túc (nhưng không hét) như: “Không được đánh bạn thế!” sẽ có tác dụng. Sau đó bạn có hể hướng trẻ đến những việc có thể được làm như đá banh, giậm chân, chơi với các đồ chơi…
Biện pháp 2: Không cho trẻ hưởng lợi từ hành vi thô bạo
Người lớn không nên cho phép trẻ giữ lại đồ chơi đã giật được của bạn. Nếu có “chiến lợi phẩm”, trẻ rất có thể ặp lại hành vi này nhiều lần sau đó.
Biện pháp 3: Chú ý quan tâm đến trẻ bị hại thay vì trẻ gây sự
Bằng cách này bạn sẽ dạy cho trẻ lòng thương người và không khuyến khích sự gây hấn để tạo ảnh hưởng, chú ý của người lớn.
Biện pháp 4: Luôn khen ngợi những hành vi tốt
Luôn khen ngợi để củng cố vững chắc hành vi đúng, để trẻ hiểu được sự ủng hộ của người lới đối với những hành vi như thế nào.
Biện pháp 5: Đánh trống lảng
Để giảm nhẹ sự phản ứng của trẻ, bạn hãy chuyển hướng chú ý của chúng bằng cách đề xuất một vài hoạt động lý thú, phù hợp lứa tuổi như chơi với nước (đong, đổ nước với các bình, ly, phễu… bằng nhựa.)
Biện pháp 6: Theo dõi để ngăn chặn trước
Dĩ nhiên bạn nên tổ chức, xắp xếp chỗ chơi cho nhóm trẻ hợp lý và thân thiện sao cho có thể hạn chế tối đa các hành động tranh giành, hơn là để nó xảy ra rồi mới bắt và trừng phạt.
Bạn cần chủ động dự kiến, ngăn ngừa trước hành vi xấu có thể xảy ra tiếp theo. Hãy cất các đồ chơi có thể gây tranh chấp khi không có bạn ở đó và quan trọng hơn là dùng các đồ chơi có thể chơi cùng nhau như bập bênh.
Biện pháp 7: Hãy cho trẻ không gian đủ rộng
Trẻ nhỏ có nhu cầu vận động rất lớn. Nếu bạn nhồi nhét một lớp quá đông trẻ như người ta vẫn xếp cá mòi trong hộp thì bạn sẽ chẳng ngạc nhiên khi chúng đối xử với nhau như loài cá dữ.
Trên hết, hãy nhớ rằng, trẻ nhà trẻ chẳng có ác ý gì khi đánh và cắn bạn. Ngược lại, trẻ cho rằng, chẳng có sai trái gì khi tìm mọi cách để diễn đạt mong muốn, nhu cầu của mình. Và đó là điều người lớn cần hiểu đúng để có biện pháp giáo dục hiệu quả và thích hợp.
Theo tạp chí Parents 
Th.s LÊ THỊ LIÊN HOAN – phó trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD- ĐT TP.HCM
Theo tuổi Trẻ

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)