Chuyện sinh viên “cắm” thẻ cho tiệm cầm đồ dường như đã quá phổ biến. Bất cứ trường đại học, cao đẳng nào cũng có đến bốn, năm hàng cầm đồ xung quanh.
Thẻ sinh viên hay “thẻ rút tiền”
Mỗi lần đặt thẻ, sinh viên có thể lấy được từ 200 nghìn cho đến 1 triệu đồng. Chỉ có những sinh viên quen biết, đã từng dẫn khách cho cửa hàng mới có thể lấy được nhiều hơn. Lãi suất chung của các cửa hàng là 1%/ngày. Sinh viên khi đã đặt thẻ phải thanh toán tiền lãi cho cửa hàng mỗi tháng một lần. Sinh viên phải ghi đầy đủ họ tên, lớp, trường, số điện thoại… vào sổ của cửa hàng. Những “trung tâm đặt thẻ” mà sinh viên Hà Nội biết đến nhiều nhất là các khu: ĐH Mỏ, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Giao thông Vận tải… Mỗi cửa hàng cầm đồ ở đây đều có vài ba hộp để phân loại thẻ sinh viên từng trường. Càng là thẻ sinh viên của các trường nổi tiếng thì càng vay được nhiều tiền.
|
N.Linh (ĐH Mỏ) là một “chuyên gia” “cắm” thẻ cho biết: “Sở dĩ các cửa hàng cầm đồ thích nhận thẻ sinh viên bởi tấm thẻ này rất quan trọng. Không có nó, sinh viên không thể đi thi hoặc xin bất cứ giấy tờ nào của nhà trường. Hơn nữa, nếu quá hạn mà sinh viên vẫn chưa đến trả lãi, người của các hàng cầm đồ sẽ theo tên lớp trên thẻ để đến đòi hoặc báo với Ban Giám hiệu. Nếu đặt xe máy hay ti vi thì còn có thể “bùng”, còn nếu đã đặt thẻ, sinh viên chỉ còn có nước nghỉ học khi không “xoay” đủ tiền”.
Hầu hết các sinh viên “cắm” thẻ là do cần tiền phục vụ cho các cuộc ăn chơi, lô đề, cá độ bóng đá… Thậm chí, nhiều sinh viên nữ cũng đem cầm đồ thẻ để lấy tiền chơi cờ bạc. Nhiều sinh viên mới vào trường được các đàn anh, đàn chị khóa trên “truyền thụ kinh nghiệm”. Khi thiếu thốn, họ đem thẻ ra “cắm” thử. Có được tiền một cách dễ dàng, lâu dần thành quen, cứ thiếu tiền là họ lại đem thẻ sinh viên của mình ra để “cắm”.
Cái vòng luẩn quẩn
Cứ gần đến kỳ thi là các sinh viên lại cuống cuồng tìm mọi cách để chuộc thẻ. Cuối cùng, khi không còn cách nào để có tiền chuộc thẻ, các sinh viên này lại phải về quê “cầu cứu” cha mẹ. Có những người nợ đến cả chục triệu đồng. Phần lớn các sinh viên này lấy những lý do: thiếu tiền mua sách ôn thi, nhà trường bắt đóng thêm các khoản phí, mất trộm… Các bậc phụ huynh thương con lại phải móc hầu bao trả cho những khoản ăn chơi của các “quý tử”.
V.Tiến (Nam Định) từng là sinh viên của một trường cao đẳng có tiếng ở Hà Nội. Vì ham mê cờ bạc, đặc biệt là cá độ bóng đá, Tiến còn mượn cả thẻ sinh viên, bằng lái xe, chứng minh thư của các bạn trong lớp đem “đặt” lấy tiền. Đến kỳ thi, mọi người đòi thẻ, Tiến lại đi mượn thẻ của bạn mình là sinh viên trường khác, đem “cầm” lấy số tiền lớn hơn để chuộc thẻ trả cho mọi người. Cứ như thế, chàng sinh viên này ngập trong cái vòng “cắm”, “nhổ” thẻ. Bạn bè xa lánh, số tiền nợ lãi ngày càng nhiều. Cuối cùng, Tiến phải bỏ học về quê trốn nợ.
Sinh viên K54 của trường ĐH Mỏ ai cũng biết đến LVN. Vì ham mê lô đề, chàng sinh viên này đã đem “cắm” thẻ của mình để lấy tiền chạy theo những con số. Càng chơi càng thua, N bị chủ các cửa hàng cầm đồ cho người vào tận trường xiết nợ. Không chỉ có vậy, vì quá ăn chơi, không chịu học hành, N còn bị Ban Giám hiệu chuyển từ hệ đại học xuống hệ cao đẳng.
Một khi đã “cắm” thẻ, các bạn sinh viên sẽ chẳng còn thời gian, tâm trí đâu mà học tập hay vui chơi lành mạnh. Họ chỉ còn biết tìm cách mà xoay đủ tiền cả gốc lẫn lãi một cách nhanh nhất để chuộc lại tấm thẻ kia. Nhưng rồi “ngựa quen đường cũ”, còn có biết bao nhiêu sinh viên như V.Tiến, vì chơi bời mà “cắm” thẻ sinh viên, nợ nần chồng chất buộc phải trốn nợ hoặc bị nhà trường kỷ luật, đuổi học. Những người trưởng thành, chín chắn sẽ chẳng bao giờ chấp nhận “đặt” tương lai của mình để lấy tiền, phục vụ cho những nhu cầu thấp kém như thế.
Theo Anh Quân
(ANTĐ)
Bình luận (0)