Vỏ măng cụt phơi khô, bảo quản trên giàn bếp, để dùng khi cần chữa bệnh rất hay.
Ảnh: T.X.Chi |
Măng cụt còn có tên gọi khác là sơn trúc tử, giáng châu; là loại cây to, có thể cao tới 20 m, lá dày, dai, màu lục sẫm; quả hình cầu, vỏ ngoài màu nâu lục sẫm tím, cứng, phía dưới có lá dài, phía đỉnh có đầy nhụy. Trong quả măng cụt có từ 6-12 hạt, quanh hạt có áo cơm hạt màu trắng đục, mềm, cơm hạt khi ăn có hương vị chua ngọt thơm ngon.
Trước đây, măng cụt được di thực từ các cụm đảo ở Malaysia, Indonesia vào nước ta, sau đó được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam, thích hợp ở vùng đất trồng có pha ít đất sét. Thịt quả măng cụt chiếm 1/3 quả, có 79,2% nước, protein 0,5%, cacbonhydrat 19,8%, chất xơ 0,3%, canxi 11mg%, photpho 17mg%, sắt 0,9mg%, vitamin C 66mg%, đường 16,42%…
Vỏ quả măng cụt có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, thường được dùng trong điều trị tiêu chảy, bệnh lỵ do amibe, do trực khuẩn và rối loạn chức năng đại tràng sau lỵ, lỵ mạn tính. Nhiều nước cũng thường dùng vỏ măng cụt trong điều trị các bệnh nói trên, và cả điều trị bệnh vàng da.
Một số bài thuốc
Trị tiêu chảy: dùng vỏ măng cụt khô 24 gr, hạt mức, hạt thì là (có nơi gọi hạt bồng sàn) mỗi thứ 2 gr. Đem tất cả nấu lấy nước, uống 2 lần trong ngày.
Chữa lỵ: dùng vỏ quả măng cụt 6 gr, rau sam, rau má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa, cỏ mua (mỗi thứ 8 gr), trà bắc (loại ngon, không nên dùng loại có tẩm hương hoa khác) 6 gr, cam thảo, vỏ quýt (mỗi thứ 4 gr), gừng 3 lát. Đem tất cả nấu lấy nước để dùng trong ngày.
Cũng chữa lỵ, có thể dùng cách khác: vỏ quả măng cụt nướng thơm 8 gr, rau má 10 gr, rau dền tía, khổ sâm, gương sen, củ rối sao đen, vỏ lựu (mỗi vị 8 gr), hạt cau già 6 gr, cam thảo, vỏ quýt nướng (mỗi vị 4 gr). Tất cả đem nấu lấy nước uống trong ngày.
BS Trang Xuân Chi
theo TNO
Bình luận (0)