Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Giỏi làm ăn vẫn mong đến lớp

Tạp Chí Giáo Dục

 

Đó là tâm sự của nhiều nông dân sản xuất giỏi huyện Ba Vì (Hà Nội). Dù đã thành công trong việc tạo lập trang trại, nhưng họ vẫn mong muốn được "học nghề làm nông" một cách bài bản để giảm thiểu rủi ro.
Mày mò làm ăn: Con đường quá gian nan
Dù đã có doanh thu tới 2,5 tỷ đồng/năm từ trang trại, nhưng nhìn lại con đường đã qua, anh Nguyễn Gia Sự ở thôn 3, xã Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Nội) không khỏi toát mồ hôi. Xuất ngũ năm 1981, anh cùng vợ con mạnh dạn nhận khu đất hoang hóa của địa phương cải tạo thành khu chăn nuôi nhỏ lẻ. Thời điểm đó, anh là người đầu tiên dám vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại khép kín.
Anh tâm sự: "Chăm sóc vật nuôi như chăm con mọn vậy, bởi gia cầm rất dễ mắc bệnh, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Tôi phải thường xuyên bám chuồng để có biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gà”. Tuy nhiên, đã đôi ba lần anh "tay trắng" vì dịch bệnh. Anh bảo: "Học phí qua vài ba lần “trắng tay” thế là… quá đắt. Giá tôi được học tổ chức trang trại, thú y một cách bài bản thì rủi ro chắc chắn sẽ ít đi".
Vừa qua, anh Sự lại tiếp tục mở rộng trang trại nuôi cá và nuôi ba ba thương phẩm. "Để nuôi ba ba, tôi đã đọc rất nhiều sách báo và đi tham quan thực tế tốn kém không ít". Học, có kiến thức, anh Sự mới biết để nuôi ba ba thành công phải luôn đảm bảo ao nuôi sạch sẽ, đồng thời cung cấp nguồn thức ăn sạch …

Nhiều nông dân nuôi bò sữa ở Ba Vì có nhu cầu học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi, thú ý… nhưng chưa có lớp.

Tương tự, anh Nguyễn Đình Oanh ở thôn Cao Nhang, thị trấn Tây Đằng có 2.100m2 đất nông nghiệp, trải dài ở nhiều xứ đồng khác nhau. Năm 2000, anh Oanh mạnh dạn đổi ruộng cho các hộ khác về vùng đất chiêm trũng với diện tích là 6.500m2 lập trang trại nuôi gà.
Hiện, trang trại của anh mỗi năm nuôi 600 gà thịt, 1.000 ngan, vịt thịt và ấp trứng bán vịt giống khoảng 3.000 con. Ngoài ra, anh Oanh còn kinh doanh, làm đại lý thức ăn gia súc với doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm. Anh bày tỏ: "Bà con chăn nuôi rất thụ động, ai mách gì làm nấy nên hiệu quả không cao. Nếu bà con được học nghề chăn nuôi bài bản, chủ động phòng dịch, có kiến thức về thú y thì sẽ đỡ hơn nhiều".
Đừng để nông dân tự học
Là những nông dân sản xuất giỏi, hiện anh Sự, anh Oanh đang là "giảng viên bất đắc dĩ" cho những chủ trang trại mới. Hàng ngày có rất nhiều người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm của các anh và các anh cũng rất nhiệt tình giúp đỡ. Chẳng hạn như thời gian vừa qua, anh Sự đã giúp đỡ các hộ ông Nguyễn Gia Bình, Nguyễn Gia Minh là hộ nghèo trong xã làm chuồng trại và hỗ trợ con giống, chuyển giao kỹ thuật để họ chăn nuôi. Còn anh Oanh, năm 2010 đã giúp 4 hộ nghèo ở xã Phú Đông tổ chức chăn nuôi, làm ăn…
Mấy năm gần đây, tình hình dịch bệnh gia cầm ngày càng nhiều nên tôi đang tính đi học lớp thú y để phòng bệnh cho chủ động.
Anh Nguyễn Đình Oanh
Từng trải qua những giai đoạn khó khăn khi khởi nghiệp, anh Sự chia sẻ: "Nếu không được học nghề, người chăn nuôi rất dễ gặp rủi ro. Thời gian qua, trên địa bàn cũng thấy mở mấy lớp dạy nghề nông dân nhưng chủ yếu dạy sửa chữa máy tính, đánh máy… chứ các nghề tổ chức trang trại, chăn nuôi thú y… thì chưa thấy tổ chức học…
Thực tế tại Ba Vì cũng cho thấy, hiện các khu vực đều có cán bộ thú y nhưng "cán bộ thú y không tư vấn cho bà con phòng bệnh mà chỉ bán thuốc, chữa bệnh thôi. Mà khi bệnh dịch đã phát rồi thì chữa chạy cũng không ăn thua"- một nông dân cho biết. Chẳng hạn như vừa qua, Ba Vì "dính" dịch tai xanh, nhiều gia đình không dám tái đầu tư sản xuất. "Nếu được học nghề chăn nuôi bài bản, bà con sẽ có kinh nghiệm ứng phó, tổ chức sản xuất phù hợp. Như vậy, việc học rất quan trọng, chúng tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm lĩnh vực này".
Theo Trần Phương
(Dân Việt)

 

Bình luận (0)