Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

TS. Lê Bá Khánh Trình: Dạy “liều” và học “lén”

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Lê Bá Khánh Trình đưa học sinh Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) tham gia kỳ thi toán quốc tế (ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi tôi nói, sẽ viết về TS. Lê Bá Khánh Trình cho báo xuân, một đồng nghiệp nói rằng: “Đừng viết về tiểu sử của anh ấy nữa, nhiều người viết lắm rồi”. Đúng vậy. Tôi vào Google, mới chỉ gõ chữ “lê” thì cái tên Lê Bá Khánh Trình đã hiện lên. Và khi nhấp chuột vào chữ Lê Bá Khánh Trình có tới cả ngàn bài…
Đây chính là áp lực để tôi có thể viết được “một bài ra hồn” về thần tượng của mình. Năm 1979, khi anh đạt huy chương vàng và giải đặc biệt trong kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 21 ở London (Anh), tôi mới chỉ 3 tuổi. Những năm sau đó, cụm từ “Lê Bá Khánh Trình” liên tục “phát triển” trên các phương tiện thông tin đại chúng và nghiễm nhiên anh trở thành thần tượng của thế hệ 6X, 7X…
Từ dạy “liều”…
Sau cái ngày vinh quang ấy, anh đã được tuyển thẳng vào Khoa Toán – Cơ, Trường ĐH Tổng hợp Moskva (Nga). Năm 1990, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. “Sao lúc đó anh không làm khoa học mà lại về nước đi dạy? Nếu anh làm khoa học, biết đâu Việt Nam đã có một giáo sư tên tuổi như  GS. Ngô Bảo Châu bây giờ. Anh chọn nghề dạy học, phải chăng đó là một nghề nhẹ nhàng và an toàn?”, tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với thần tượng của mình.
Có một chút suy tư, anh trả lời: “Tôi không nghĩ mình là người xuất sắc. Tôi nghĩ đầu óc mình là bình thường, trước đây (khi đạt giải ở kỳ thi Olympic toán quốc tế – PV) có thể là tôi may mắn. Huống hồ làm khoa học là phải có tư chất, phải có đam mê. Tôi không dám chắc mình sẽ được như GS. Châu nếu làm khoa học. GS. Châu phải rất giỏi, rất cố gắng và có cả may mắn chứ không hề đơn giản…”.
Trầm ngâm một lúc, anh nói tiếp: “Tính tôi, cái gì cũng đơn giản, nhẹ nhàng, không tính toán, không suy nghĩ nhiều. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ ra trường về nước là chuyện bình thường. Tôi chọn nghề dạy học là cơ duyên, đây chưa chắc đã là nghề nhẹ nhàng và an toàn”.
Vì “không tính toán, không suy nghĩ nhiều” nên khi về nước anh đã “dừng chân” ở TP.HCM chứ không phải Hà Nội – nơi Viện Toán học Việt Nam mời anh về công tác. Và như những người bình thường khác, anh cũng đi xin việc. Anh kể: “Khoảng tháng 4-1991, tôi tới gặp thầy Trưởng khoa Toán, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM). Trước đó, khi còn học ở Nga, tôi có quen một anh là giảng viên của trường sang Nga học tập. Anh đã giới thiệu nên khi tôi đến, thầy Trưởng khoa không có gì là bất ngờ. Thầy vui vẻ nhận lời…”.
Không một ngày trợ giảng, chưa một lần học qua lớp nghiệp vụ sư phạm, tháng 9-1991, anh được phân công giảng dạy các em sinh viên năm thứ 2. Anh thừa nhận là mình đã dạy “liều”, cứ làm “bừa”.
Bởi vậy, khi anh giảng bài, sinh viên đứa thì miệng chữ o, đứa thì mắt chữ a nhìn thầy rất đỗi ngạc nhiên. Song, đó là một sự ngạc nhiên thích thú, theo như anh thì: “Tuy ngạc nhiên nhưng các em chấp nhận cách dạy của tôi”.
Trong ngày đầu tiên làm thầy của anh, hoàn toàn không có 4 chữ “Lê Bá Khánh Trình”. Anh chỉ nói từ nay sẽ dạy lớp này và giới thiệu về môn học chứ tuyệt nhiên không nhắc đến tên mình. Đơn giản chỉ vì anh là người “cái gì cũng đơn giản”.
Nhưng rồi, “Đến buổi học thứ 2 thì các em đã biết tên tôi. Vì vậy có một số em chạy lại hỏi thăm”, anh nhớ lại.
Đến hôm nay, kể từ lần đầu tiên anh đứng trên bục giảng đã ngót nghét 21 năm. Nếu cứ “chạy” theo các phương tiện thông tin đại chúng thì dường như anh không làm được gì “đình đám” cả. Nhưng các thế hệ học sinh, sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) thì biết anh đã làm được gì. Và với bản tính của anh, như thế đã là đủ…
…Đến học “lén”
Khi còn học ở Nga, trước sự uyên bác của các giáo sư, anh thật sự ngưỡng mộ và thầm ước có một ngày mình cũng được như họ. “Trong khi các bạn tôi biết rất rõ về ông giáo sư nọ, ông giáo sư kia, còn tôi thì không biết gì. Tuy nhiên, khi các giáo sư giảng bài, tôi lại rất chú ý đến cách dạy của họ”, TS. Trình nhớ lại.
Chính vì vậy khi về nước và đứng trên bục giảng, anh đã áp dụng ngay cách dạy của những vị giáo sư đáng kính này. Tuy nhiên, cùng với thời gian anh cũng nhận ra rằng nếu chỉ áp dụng một cách máy móc, khuôn mẫu thì không phù hợp với thực tế. “Trước đây tôi cứ nghĩ tất cả những gì mình nắm được là tốt nhất nên khi mình trình bày học trò cứ vậy mà làm theo, không có gì phải bàn cãi. Nhưng hóa ra không phải vậy. Thực tế, đôi khi học trò có cách nhìn đơn giản và cách giải hay hơn tôi. Điều đó giúp tôi suy nghĩ “cái hay nhất nằm ở đâu đó”, chứ không phải thầy mới là hay nhất. Và tôi thay đổi cách dạy, chuyển từ áp đặt thầy sang trò thành sự giao lưu giữa thầy và trò. Tôi để học sinh phát biểu cũng như phát huy những thế mạnh của mình. Qua đó, tôi đã học được những cái tối ưu của học trò. Tôi học mà các em không biết, tôi học “lén”. Tôi tích lũy những kiến thức học “lén” được để truyền đạt lại cho lớp học trò sau. Và thế hệ học trò sau sẽ được nâng lên một chút…”, TS. Trình hồ hởi cho biết.
Trong quá trình luyện thi cho các em học sinh chuyên toán Trường THPT Năng khiếu (đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia), anh phải thừa nhận rằng: “So với học trò bây giờ, tôi thấy mình bình thường, còn các em giỏi hơn nhiều”. Các em rất say mê toán học, thậm chí các em còn truyền ngược lại cho anh niềm say mê đó.
Trái ngược với sự say mê vô điều kiện đối với toán học của các em học sinh phổ thông là sự thờ ơ của các em sinh viên. Bằng chứng là số lượng sinh viên học ngành toán ngày càng ít, thậm chí chỉ có 5-10 em/năm. Vì đâu nên nỗi?
Theo TS. Trình thì: “Học toán ở ĐH là để nắm được kỹ năng tư duy một cách chặt chẽ và rõ ràng. Toán học thì được vận dụng vào tất cả các ngành”.
Cứ tưởng như vậy thì học toán ra, làm việc ở đâu cũng được. Nhưng không, trên thực tế toán là một trong những ngành khó xin việc. Trong khi đó, phần lớn thanh niên Việt Nam đi học ĐH chỉ với mục đích là ra trường xin được việc làm. Chính vì lẽ đó mà khoa toán của các trường ĐH đang chết dần chết mòn. Và “nhiều nước trên thế giới cũng nằm trong nguy cơ này”, TS. Trình cho biết.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó không làm anh nản lòng. Bởi mỗi lần luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Năng khiếu và gần đây có thêm đội tuyển của Sở GD-ĐT TP.HCM, anh lại có những niềm vui mới, lại học “lén” ở các em những cách giải toán hay…
Hòa Triều
TS. Lê Bá Khánh Trình tâm tư: “Khi  còn học ở Nga, tôi nghe thầy nói, ngành toán nó bạc bẽo lắm, thu nhập ở mức gần như thấp nhất. Chỉ “mấy thằng quái đản” mới theo ngành toán…”.
 

Bình luận (0)