Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo luôn trăn trở trước sự phát triển của nền KHCN Việt Nam hiện nay |
Giải thưởng xuất sắc toàn cầu do Tổ chức Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (IAPQA) trao tặng; 12 giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực KHCN… và mới đây nhất được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ (KHCN) nổi bật của Việt Nam trong năm 2012. Có thể nói, năm 2012 là một năm gặt hái nhiều thành công của Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Busadco, trong đó ghi dấu ấn trí tuệ của người lãnh đạo, người dẫn dắt – Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty.
Rất ít người, kể cả những nhà sáng tạo chuyên nghiệp, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, có được bộ sưu tập hơn 20 công trình khoa học lớn như ông chỉ trong vòng 9 năm kể từ ngày Busadco thành lập. Với vai trò tác giả, ông cùng cộng sự đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng thành công hàng loạt các công trình KHCN phục vụ mục tiêu phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn. Trước tình trạng ứng dụng KHCN Việt vào thực tế còn là yếu điểm, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo còn nhiều trăn trở suy nghĩ. Giáo Dục TP.HCM đã có dịp chia sẻ với ông.
PV: Ông đánh giá gì về nền KHCN Việt Nam hiện nay?
– Ông Hoàng Đức Thảo: Các sản phẩm KHCN của Việt Nam thuộc các lĩnh vực đều phong phú và có khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các nhà khoa học, doanh nghiệp KHCN ở nước ta lại thiếu mạnh dạn, tự tin hay nói đúng hơn là còn dè dặt, chưa dám mở rộng để cạnh tranh với các nước khác. Sự thận trọng quá mức trong từng bước đi của các doanh nghiệp cũng đã vô tình kìm hãm sự sáng tạo của các nhà khoa học và nền KHCN nước nhà.
Vậy phải làm sao để phát huy được sự tự tin, tính sáng tạo của các nhà khoa học như ông đã nói?
– Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách thông thoáng, khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp được tự chủ và phát triển cả trong tư duy và tài chính. Cơ chế đặt hàng và bao tiêu, phân phối sản phẩm KHCN là cần thiết vì đây là những sản phẩm trí tuệ, đã được kiểm nghiệm chứng nhận. Các nhà khoa học cũng cần nhận được chính sách động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để tạo sự khích lệ giúp họ tiếp tục nghiên cứu và cống hiến. Một vận động viên thể thao mang thành tích về cho nước nhà được tung hô và nhiều doanh nghiệp dành cho các phần thưởng rất giá trị thì không lý do gì một nhà khoa học cống hiến chất xám, mang lại ứng dụng thực tế lại không được như vậy. Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà khoa học đều tự mình nghiên cứu, sáng tạo KHCN rồi lại tự mình “đem chuông đi đánh xứ người”. Không được thành tích ra về lặng lẽ đã đành nhưng khi giành được giải thưởng quốc tế thì sự động viên, quan tâm của Nhà nước lại chưa xứng đáng với công sức và trí tuệ nhà khoa học đó bỏ ra. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn không có định hướng ứng dụng và phát triển thành tựu đó. Điều này dễ dẫn đến việc nhiều nhà khoa học không còn mặn mà với việc nghiên cứu, sáng tạo và đóng góp cho nền KHCN nước nhà.
Vậy bức tranh về nền KHCN Việt Nam theo ông trong thời gian tới sẽ như thế nào?
– Chưa bao giờ hoạt động trong lĩnh vực KHCN có thời cơ và điều kiện thuận lợi như hiện nay. Hai sự kiện lớn là nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển KHCN theo đó Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020. Tiếp tục triển khai quan điểm, chủ trương này, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động KHCN sẽ được thiết lập, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của thực tế hiện nay. Đây chính là cơ hội cho các nhà khoa học, doanh nghiệp nên tôi nghĩ, bức tranh nền KHCN Việt Nam trong thời gian sắp tới sẽ bắt đầu có những gam màu mới của sự đột phá và sáng tạo.
Bản thân tôi cho rằng, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nên thay đổi lối tư duy để không bỏ lỡ cơ hội trong giai đoạn này. Hãy dành nhiều thời gian, năng lực, phát huy tối đa điều kiện có thể để đồng sức, đồng lòng xây dựng thương hiệu và uy tín từ sản phẩm KHCN của mình, góp phần cống hiến vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước.
Linh Vy
Bình luận (0)