Bà con nông dân phường Mỹ An tất bật tưới hoa chuẩn bị cho Tết
|
Giáp Tết, những người nông dân mượn đất trồng rau ở Đà Nẵng lại tất bật vào vụ. Những gương mặt rám nắng quanh năm quăng quật trên cánh đồng giãn ra bởi nụ cười rạng rỡ, với hi vọng một mùa rau được giá để đón Tết đầm ấm hơn…
1. Nông dân đi mượn… đất! Nghe có vẻ nghịch lý nhưng nhờ phần đất mượn ấy, nhiều hộ dân ở các quận trung tâm TP.Đà Nẵng đã cải thiện được đời sống kinh tế. Cặm cụi từ sớm mai trên vạt rau xanh mướt chuẩn bị thu hoạch đưa ra chợ, anh nông dân Nguyễn Văn Bình (38 tuổi) ở phường Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, chia sẻ: “Gia đình tôi mấy đời làm nông. Trước đây nhà tôi ở ngay trên mảnh đất này, sau khi thành phố giải tỏa đền bù, gia đình chuyển đi nhường đất lại cho dự án nhưng dự án chưa triển khai xây dựng nên chúng tôi về làng cũ mượn đất canh tác. Tôi trồng rau ở đây được 6 năm rồi. Mấy năm nay, nhờ mảnh đất mượn của dự án nên vợ chồng tôi không phải đi làm thuê nữa. Người mượn đất trồng rau không giàu, nhưng không ai thuộc diện hộ nghèo”.
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ An, cho biết toàn phường có hơn 100 hộ dân mượn đất hoang của các dự án dọc các tuyến đường An Dương Vương, Hàm Tử, Mỹ An… để trồng rau. Hơn 5 năm nay, bà con nhờ đất mượn mà đời sống kinh tế đã bớt phần khó khăn…
Nhiều nông dân tranh thủ trồng rau nối vụ bán sau Tết
|
Ở nhiều quận khác như Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, thậm chí ngay cả quận trung tâm Hải Châu, bà con nông dân cũng tranh thủ mượn đất của các dự án để trồng rau và hoa Tết. Tầm qua tháng 11 âm lịch, trên những “cánh đồng” đi mượn này ánh điện được bà con thắp lên sáng thâu đêm để canh cho hoa và rau phát triển ổn định, năng suất cao. Ông Phạm Đức Cấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), cho biết Hòa Xuân là phường có số hộ dân nằm trong diện giải tỏa nhiều nhất, khoảng 4.300 hộ với tổng diện tích 960ha. Hội Nông dân phường đã nhận 4ha đất quanh hồ điều tiết nước giao cho 11 hội viên tổ chức trồng rau, hoa. Nhờ đó, đời sống của bà con có nhiều đổi thay hơn trước. Năm nay thời tiết khá thuận, không có mưa bão, thu nhập từ rau không bị đứt đoạn. Tết này, bà con không còn lo lâm vào tình cảnh thiếu đói.
2. Mờ sáng, trên cánh đồng rau – vùng đất mượn của các dự án chưa triển khai xây dựng ở phường Mỹ An – đã tấp nập nông dân ra đồng. Công việc buổi sáng của bà con chủ yếu là tưới nước cho rau, xới những khoảnh đất trống để trồng cây rau mới nối tiếp cho vụ rau vừa thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Bình cho biết thời tiết năm nay khá thuận nên rau được mùa, dù giá không nhỉnh hơn so với các năm trước nhưng thu nhập cũng tạm ổn. Với 4 sào rau, đủ loại từ cải xanh, cải cúc, ngò, húng quế… mỗi ngày vợ chồng anh thu về khoảng 200.000-300.000 đồng, đủ chi phí sinh hoạt và cho hai con tới trường. Năm nay, anh còn mạnh dạn trồng cây xà lách tím lấy giống từ Đà Lạt để bán cho nhà hàng, siêu thị với giá cao gấp 5-8 lần xà lách xanh. “Nhờ có mấy sào rau mà đời sống kinh tế ổn định hơn. Tết này sẽ không còn lo thiếu đói nữa”, anh Bình vui vẻ nói. Cách ruộng rau anh Bình không xa, anh Đỗ Văn Dưỡng (44 tuổi) đang tỉ mẩn tỉa từng cành hoa cúc để chuẩn bị xuất cho thương lái. Anh Dưỡng cho biết: “Năm nay tôi trồng được 1.000 chậu cúc, 500 chậu hướng dương và 6.000m2 rau. Năm nay hoa được giá hơn các năm trước, mỗi chậu cúc từ 150.000-170.000 đồng. Giá rau cũng tương đối ổn, chắc vài hôm cận Tết sẽ tăng cao hơn. Với tình hình này, gia đình có cái Tết đầy đủ hơn năm trước rồi”.
Mạnh dạn trồng rau xà lách tím, anh Nguyễn Văn Bình có thu nhập cao từ 4 sào đất mượn
|
Phố vào đêm. Những chuyến xe máy chở đầy sọt rau bắt đầu nổ máy để sớm mai kịp ra phiên chợ sớm. Tiếng cười nói rộn rã của những người nông dân sau một ngày tất bật vang xa trên các nẻo phố rực rỡ đèn hoa. Cảm nhận được một cái Tết ấm hơn đang đến rất gần với những người nông dân nghèo.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân TP.Đà Nẵng, thời gian qua, các cấp hội đã vận động gần 1.000 lượt hộ nông dân tận dụng mượn tạm 165.000m2 đất các dự án trồng hoa màu để nâng cao đời sống. |
Tin liên quan
Niềm vui ngày 20-11 năm nay đối với các thầy cô giáo dường như được nhân đôi khi tại kỳ họp thứ...
Ngày 14-1-1993, lần đầu tiên quan điểm “giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra trong Nghị...
Để không bị bỏ lại phía sau, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua thách thức bằng...
Năm học 2024-2025, TP.HCM xây dựng nhiều điểm mới trong công tác tuyển dụng, trong đó đẩy mạnh phân cấp trao quyền...
Bình luận (0)